Việc tăng giá điện 8,36% khiến toá đơn tiền tiện của nhiều hộ gia đình tăng “sốc” đã gây bức xúc trong thời gian vừa qua. (Ảnh minh hoạ)
Tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV đã khép lại. Vấn đề tăng giá điện 8,36% khiến toá đơn tiền tiện của nhiều hộ gia đình tăng “sốc” vốn đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, thì nay được tiếp tục bởi những tranh luận bên hành lang Quốc hội sau các phát biểu của nhiều vị ĐBQH và ý kiến giải trình từ Bộ Công Thương, EVN.
Lý giải của Bộ Công Thương về việc tăng giá điện 8,36% gây bức xúc trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện chưa phù hợp. Đồng thời, EVN phải chia lại các bậc khung giá điện, bên cạnh thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Biểu giá điện 4 bậc của ĐBQH Trần Hoàng Ngân
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phân tích: “Việc điều chỉnh rơi vào thời điểm khí hậu nóng. Thế nên, người dân chịu nhiều áp lực, một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao. Đó là những điều gây nên những cú sốc trong hóa đơn tiền điện thời gian qua”.
Rồi ông Ngân thẳng thắn tâm sự: “Cử tri hỏi tôi, liệu tình hình giá điện có giảm hay không?”.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Bày tỏ sự không đồng tình với biểu giá điện 6 bậc hiện nay, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chỉ áp dụng biểu giá điện 3 bậc; Indonesia áp dụng biểu giá điện 5. Từ đây, ông Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, chỉnh sửa.
“Ta tính bậc thang thứ nhất chỉ từ 0 đến 50 kWh với giá 1.678 đồng, từ 51 kWh lại tính giá cao hơn. Tôi nghĩ với điều kiện sinh sống người dân hiện nay, với thu nhập bình quân đầu người 2.590 USD, cùng những tiện ích như máy giặt, tivi, là ủi… đều là những thứ cần thiết với nhu cầu người dân. Theo tôi, nên thay đổi cách tính bậc thang giá điện hiện nay, chỉ nên để 4 bậc. Ta nên ghép bậc 1 và 2 thành 1 bậc và áp dụng giá điện của bậc 1. Như thế người dân không bị thiệt hại gì. Đó là mức ta có thể chia sẻ”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Trước những ý kiến đề xuất của các ĐBQH và phản ánh của nhiều cơ quan báo chí xung quanh vấn đề giá điện tăng 8,36% khiến hoá đơn tiền điện tăng “sốc”, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những chia sẻ với báo chí về một số vấn đề liên quan đến thực hiện giá bán lẻ điện và thị trường điện.
“Tập đoàn sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, ông Dương Quang Thành nói.
Bộ Công Thương: Dùng nhiều điện, phải chịu giá cao
Trước đó, trong một kiến nghị gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Tiền Giang cũng từng đề xuất: “Kiến nghị Bộ Công Thương nâng định mức sử dụng điện sinh hoạt đối với hộ gia đình từ 50 kWh lên 100 kWh. Do hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân đã tăng nhiều so với trước kia, nhất là điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống”.
Biểu giá điện 6 bậc của EVN
Song trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang, Bộ Công Thương cho hay, phần lớn lượng điện năng hiện nay đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt là các nguồn tài nguyên có hạn nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết. Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện sinh hoạt theo các bậc tăng dần để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân; hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn.
Ví dụ: Nhật Bản áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 bậc; Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 đến 7 bậc; khu vực Asean áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 3 bậc đến 10 bậc.
Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Có thể cho rằng, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Căn cứ số liệu thực tế thực hiện năm 2017 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp, Bộ Công Thương đã tính toán tác động của các phương án điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc (trong đó có kịch bản điều chỉnh mức sử dụng của bậc 1 từ 50 kWh lên 100 kWh như kiến nghị của cử tri).
Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc cũng như tăng mức sử dụng của bậc 1 đều làm tăng số tiền từ ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và tiền điện phải trả tăng thêm hầu hết ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp từ 51 - 100 kWh/tháng và từ 201 - 300 kWh/tháng (khoảng 9,5 triệu hộ chiếm tới 38,12% trên tổng số 24,93 triệu hộ sinh hoạt).
Cũng theo số liệu thống kê năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì trên cả nước, số hộ có mức sử dụng dưới 50 kWh/tháng là 4,1 triệu hộ, chiếm 16,44% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 27 kWh/hộ/tháng. Như vậy, việc tiếp tục duy trì giá điện thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân cho bậc dưới 50 kWh là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ cho những hộ này (theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg thì giá điện cho bậc 1 bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân).
Nguyên Phương - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)