Nông dân tham quan cánh đồng sinh thái trên mô hình lúa - tôm ở huyện Phước Long.
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong vụ lúa ở TX. Giá Rai đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.Đ
Mô hình lúa - tôm được nhiều hộ nông dân ở các huyện: Hồng Dân, Phước Long và một phần của TX. Giá Rai áp dụng với tổng diện tích gần 35.000ha, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Riêng 2 huyện Hồng Dân và Phước Long, hầu hết nông dân áp dụng 1 vụ tôm - 1 vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Sau khi thu hoạch vụ tôm sú, bà con đưa nước ngọt vào cải tạo đồng ruộng và cấy lúa Một bụi đỏ - kết hợp thả tôm càng xanh.
Điều đặc biệt của mô hình lúa - tôm là không dùng thuốc thú y thủy sản trị bệnh cho tôm, mà sử dụng biện pháp sinh học; cây lúa cũng không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (để bảo vệ tôm càng xanh). Do vậy, mô hình cho sản phẩm tôm sạch, lúa sạch.
Theo các nhà khoa học, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất. Đây là mô hình “thông minh”, cân bằng sinh thái đồng ruộng. Sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu.
Để phát triển mô hình tôm - lúa, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng trong tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm và trồng lúa cho nông dân. Điển hình là UBND TX. Giá Rai định hướng cho nông dân ấp 18 (xã Phong Thạnh A) áp dụng mô hình tôm - lúa trong ô đê bao khép kín. Thành lập Hợp tác xã (HTX) Thành Công 1 (tại ấp 18) tổ chức sản xuất nuôi trồng bền vững theo hình thức liên kết “4 nhà”. Phối hợp, liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững (Công ty Âu Vững) xây dựng thương hiệu tôm sạch đạt chứng nhận ASC. Từ đó, toàn bộ sản phẩm tôm sạch của HTX Thành Công 1 được doanh nghiệp bao tiêu. UBND TX. Giá Rai đã mở rộng quy mô mô hình lúa - tôm (gồm cả trong và ngoài ô đê bao khép kín) ở xã Phong Thạnh A với diện tích khoảng 200ha.
Huyện Phước Long cũng đã củng cố hoạt động HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tâm; theo đó vận động nông dân trong khu vực ô đê bao ấp Phước Thạnh (xã Phước Long) áp dụng mô hình nuôi tôm sạch để tạo sản phẩm tôm sinh thái và lúa sạch. Huyện kêu gọi các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV chế biến xuất khẩu thủy sản Thiên Phú, Công ty Âu Vững, NIGICO, HTX nông sản sạch Việt Nam… tham gia thực hiện chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp đưa ra quy trình và hướng dẫn nông dân trong HTX sản xuất; sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để nông dân trong tỉnh làm giàu từ tôm sạch, lúa sạch, không cách nào khác là hướng nông dân sản xuất lúa hữu cơ và nuôi tôm sạch (tôm sinh thái) để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.