Xăng dầu, điện gây áp lực lên lạm phát

Thứ năm, 30 Tháng 5 2019 08:31 (GMT+7)
Tại buổi công bố báo cáo kinh tế thường niên năm 2019 ngày 29-5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Kịch bản thứ nhất, GDP tăng trưởng 6,56% và lạm phát cả năm 4,21%. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP 6,81%, lạm phát 4,79%. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, kịch bản thứ nhất có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi. Cụ thể là việc gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra những sức ép mới, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Viện trưởng Viện VEPR nhận định kịch bản thứ hai khả thi hơn với mức tăng trưởng 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Theo ông, kịch bản này khả thi nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018 đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh, và mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý lạm phát cả năm 2019 đang trở nên khó kiểm soát hơn. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến nên lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.

Xăng dầu, điện gây áp lực lên lạm phát - Ảnh 1.

Tăng giá xăng dầu gây áp lực lên lạm phát

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn làm gia tăng lạm phát. Tính đến hết tháng 4-2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng khoảng 2,93% và đang trong xu hướng đi lên. Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng.

Để kiềm chế lạm phát, viện trưởng VEPR khuyến nghị các cơ quan điều hành cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong những tháng còn lại của năm. Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt khỏi mức mục tiêu. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công.

Cùng ngày, Tổng cục Thống kê đã công bố CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019. Theo cơ quan này, CPI tháng 5 đã tăng 0,49% so với tháng trước, mức tăng khá cao so với mức tăng 0,31% của tháng 4. Lý giải về việc này, Tổng cục Thống kê cho biết giá xăng dầu tăng theo giá thế giới cùng với giá điện tăng do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới CPI tháng 5.

Bài và ảnh: Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế