Cấp đông thịt heo giữa tâm "bão" dịch

Thứ sáu, 31 Tháng 5 2019 09:09 (GMT+7)
Giá thịt heo đang rất thấp và khó bán. Ngành chức năng lo ngại sắp tới sẽ thiếu nguồn cung, không có thịt để bán

Ngày 30-5, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng này trước bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp.

Giảm thiệt hại cho người nuôi

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 43 tỉnh, thành. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy tính đến ngày 24-5 là trên 1,7 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn heo cả nước).

Việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá thịt heo, không để sốt giá được xem là biện pháp cấp bách trong tình hình hiện nay. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, giá thịt heo đang rất thấp và khó bán. Từ cuối tháng 4 đến nay, giá thịt heo đã giảm, chỉ còn 28.000-32.000 đồng/kg tại miền Bắc; 32.000-38.000 đồng/kg khu vực phía Nam; giá thịt heo thành phẩm 70.000-90.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Đỗ Thắng Hải lo ngại thời gian tới không có thịt heo để bán. Bảo đảm cung cầu thị trường thịt heo hiện không phải việc riêng của Bộ NN-PTNT hay Bộ Công Thương mà là trách nhiệm chung.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là thu mua heo sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi, sẽ cung cấp lại thị trường. Ông đề xuất triển khai giải pháp này càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết việc giết mổ và cấp đông để đưa thịt sạch, an toàn đến người dùng dù có một số ý kiến hoài nghi nhưng đây là giải pháp cần thiết hiện nay. Phương pháp này sẽ giảm thiệt hại cho nông dân, giảm ngân sách nhà nước, giảm ô nhiễm môi trường.

Cấp đông thịt heo giữa tâm bão dịch - Ảnh 1.

Giết mổ heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) Ảnh: QUANG LIÊM

Thiếu kho cấp đông đúng chuẩn

Việc cấp đông thịt heo số lượng lớn không hề dễ dàng. Hai Bộ Công Thương và NN-PTNT nhìn nhận khả năng cấp đông của các doanh nghiệp (DN) thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế về cả cơ sở hạ tầng và tài chính.

Cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, phản ánh các đơn vị chăn nuôi, giết mổ, phân phối đều ủng hộ phương án cấp đông nhưng địa phương không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn.

Tỉnh đã dự phòng phương án thuê kho cấp đông và kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chủ trì, kết nối với các địa phương lân cận cùng triển khai để giết mổ, cấp đông thịt heo. Đại diện một số địa phương cũng kiến nghị có giải pháp tái đàn bởi dù cấp đông nhưng không tái đàn thì thời gian sau cũng sẽ thiếu nguồn cung.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng nhà nước cần có chính sách để khuyến khích DN triển khai từ việc hỗ trợ tìm nguồn thịt heo sạch đến hỗ trợ bằng quỹ bình ổn để DN kinh doanh có lãi. Trước ý kiến này, các DN như Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh liệt kê các chi phí như: đông lạnh, trữ đông, vận chuyển... tăng sẽ làm giá thành thịt cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. Do đó, các DN kiến nghị cơ quan quản lý có phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất trong thời điểm khó khăn này.

Sau cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt heo (chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông...). Đồng thời, đề xuất các ngân hàng thương mại ưu tiên những gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các DN tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, khả năng tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện trong việc chứng nhận các sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của DN để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông.

Lo cạnh tranh hàng nhập khẩu

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động hôm 30-5 về phương án cấp đông thịt heo, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết Vissan đã tăng giết mổ thêm 100 con/ngày (từ 1.200 con lên 1.300 con/ngày) để kìm đà lao dốc của giá thịt heo và chuẩn bị nguyên liệu trong thời gian tới.

Vấn đề nan giải là thịt heo dùng cho nhu cầu hằng ngày, người tiêu dùng vẫn quen dùng tươi sống, chưa quen dùng đông lạnh nên đầu ra cho thịt sau cấp đông vẫn giới hạn. Đối với nguyên liệu cho ngành chế biến, các DN tham gia cấp đông sẽ phải cạnh tranh với thịt đông lạnh nhập khẩu trong khi chi phí cấp đông trong nước khá cao.

Theo một chuyên gia chăn nuôi tại TP HCM, với giá thịt heo như hiện nay thì tiêu thụ thịt tươi sống vẫn là giải pháp tối ưu, chưa phải lúc cấp đông. "Năm 2017, khi ngành thịt heo gặp khó khăn về giá, một DN lớn tại TP HCM không bán được hàng đã thực hiện cấp đông khi giá thịt heo hơi chỉ 24.000 đồng/kg nhưng cuối năm phải chịu lỗ đến 22 tỉ đồng" - chuyên gia này dẫn chứng.

Đại diện Công ty CP GreenFeed Việt Nam cho biết do công ty thực hiện quy trình 3F (Feed - Farm - Food) kiểm soát theo chuỗi nên nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (DnF) chỉ chế biến giết mổ heo của GreenFeed, không nhận gia công cho các đơn vị ngoài.

Về tiêu thụ thịt heo những ngày gần đây, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn - nơi bán sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM, thông tin lượng heo mảnh về chợ thường xuyên trên 5.000 con/ngày nên giá có xu hướng giảm để thương nhân đẩy hàng, giá sỉ heo mảnh từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.

N.Ánh

Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế