Trong báo cáo về ngành dệt may vừa công, nhóm phân tích Công ty CP chứng khoán VNDIRECT nhận định ngành dệt may đang hưởng lợi từ làn sóng hội nhập thương mại.
Theo đó, ngành dệt may Việt Nam đã tăng trưởng nhanh nhất thế giới với triển vọng tích cực. Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng 13,1% trong giai đoạn 2008-2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9% chủ yếu nhờ nhân công giá rẻ và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thị trường xuất khẩu đa dạng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và bảo đảm triển vọng tích cực cho ngành dệt may trong bối cảnh thị trường may mặc của Mỹ bão hòa. Hiện xuất khẩu sang Mỹ chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 12,1 tỉ USD. Ảnh: NLĐ
Theo nhóm phân tích VNDIRECT, một loạt các yếu tố bên ngoài hỗ trợ cho sự phát triển của xuất khẩu dệt may Việt Nam. Cụ thể, ngành này sẽ hưởng lợi từ sự tái cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sắp tới.
Việc chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể mang lại lượng đơn hàng dệt may lớn và giúp Việt Nam gia tăng thị phần tại Mỹ.
"Năng lực sản xuất của Việt Nam đang cải thiện. Các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất thượng nguồn (sợi và vải). Các doanh nghiệp may mặc chuyển hướng sang phương thức sản xuất tiên tiến như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) và sản xuất thiết kế gốc (ODM) giúp cải thiện biên lợi nhuận" – nhóm phân tích công ty chứng khoán này cho hay.
Trong dài hạn, Việt Nam có thể trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dệt cho các nhà sản xuất may mặc trong khu vực nhờ chuỗi giá trị dệt may hoàn thiện.
Dù vậy, theo các chuyên gia, rủi ro chính của ngành dệt may là chi phí nhân công gia tăng và công đoạn nhuộm vẫn là nút thắt cổ chai của toàn ngành. Lợi thế nhân công giá rẻ trong sản xuất hàng may mặc có thể sẽ không còn được duy trì từ năm 2025 và ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành. Nguyên nhân khiến chi phí nhân công có thể tăng nhanh là dòng vốn FDI đổ vào sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động. Ngoài ra, khâu dệt nhuộm ở Việt Nam vẫn còn yếu kém do các quan ngại về môi trường và yêu cầu vốn đầu tư lớn khiến Việt Nam khó có thể hưởng lợi hoàn toàn từ các FTA với "quy tắc xuất xứ" nghiêm ngặt.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 12,1 tỉ USD tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp dệt may cho biết đơn hàng khá dồi dào nhưng áp lực cạnh tranh về lao động mới là nỗi lo lớn. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã gia tăng sức ép cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, trong đó có ngành dệt may.