Chuỗi cung ứng toàn cầu cần trách nhiệm xã hội

Thứ năm, 13 Tháng 6 2019 14:22 (GMT+7)
Bà Shivani Kannabrihan, Cố vấn chính sách Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhấn mạnh tại Hội thảo bàn tròn chuyên ngành chế biến thủy sản tại TP Cần Thơ: Thực hành trách nhiệm xã hội (CSR-Corporate Social Responsibility) đồng nghĩa với việc doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì bên cạnh mục tiêu lợi nhuận phải tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, phúc lợi cho người lao động, thực hiện bình đẳng giới, an toàn lao động, an sinh xã hội… nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng thông minh, bền vững và toàn diện. Trong đó, đạo đức kinh doanh thể hiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quá nhiều áp lực?

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia sẽ thực hiện Dự án "Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á". Đối với ngành thủy sản, các doanh nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của 8 bộ luật, hơn 10 Nghị định của Chính phủ và khoảng 40 Thông tư của các cơ quan bộ và ngang bộ, chưa kể các văn bản của cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố… nên trong nhiều cách hiểu khác nhau, CSR là áp lực vì sẽ phát sinh chi phí chứ chưa thấy ích lợi.

 Có 5 lý do để doanh nghiệp thực hiện CSR:1/ Giảm chi phí, 2/ Đổi mới quản trị, 3/Sự hài lòng của khách hàng, 4/ Hình ảnh thương hiệu, 5/ Gắn kết nhân viên và tác nhân tham gia hệ thống. Mục tiêu mong đợi của CSR là cả hệ thống thấy được thách thức, cơ hội, xu hướng chuyển động của xã hội và khả năng thích ứng. Vì vậy cần có chiến lược CSR dài hạn, được đánh giá theo giá trị bền vững trên những lĩnh vực lợi ích, nhận thức- hành động của nhân viên, cộng đồng và môi trường. Trách nhiệm xã hội ngày nay hướng đến mục tiêu trao quyền và phát triển bền vững thay cho cách làm từ thiện ngắn hạn, không dừng lại ở các hoạt động thiện nguyện như người ta vẫn thấy các doanh nghiệp đã làm.

Tại Việt Nam, khi những lô hàng xuất khẩu bị trả về vì lưu tồn chất cấm, cách giải thích: Lô hàng có hóa chất bất lợi cho người tiêu dùng, bị phạt ở nước ngoài là sự nhầm lẫn khi đóng hàng dùng cho nội địa; CSR xem đó là vi phạm đạo đức kinh doanh, là vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Bà Shivani Kannabrihan, kỳ vọng: "Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu".

Do đó, Dự án này hướng đến việc tạo ra môi trường chính sách có lợi cho việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm; nâng cao năng lực thực hiện CSR dài hạn cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nói cách khác là cải thiện khả năng thâm nhập thị trường quốc tế.

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia sẽ thực hiện Dự án “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á” trong đó có ngành thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia sẽ thực hiện Dự án “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á” trong đó có ngành thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Mẫu mực khi kêu gọi FDI

"Nhiều điều khoản trong hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA), chính thức có hiệu lực thì các tiêu chuẩn lao động trở thành một cấu phần không thể tách rời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" - TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, nói.

Hiện nay, ngành thủy sản sử dụng hơn 80% lao động nữ. Hoạt động xuất khẩu thủy sản có tính mùa vụ, ở thời điểm "vô mùa" thì việc tăng ca, áp lực cường độ lao động gia tăng. Phụ nữ khi bước qua tuổi 35 sẽ rơi vào chỗ dễ bị đào thải.

Tỷ lệ lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam, tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề có yêu cầu chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn thấp nên tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của phần lớn lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam.

Trong khi đó, chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới việc đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động, bình đẳng giới tại nơi làm việc chưa được coi trọng thì việc thực hiện trách nhiệm xã hội càng khó khăn hơn.

Khoảng 5 triệu lao động đang lao động trong ngành hàng khai thác, chế biến thủy sản, riêng đối với ngành khai thác biển việc thực hiện trách nhiệm xã hội chưa tốt, thậm chí quá nguy hiểm trước nạn uy hiếp trên biển.

Thực ra, cho đến nay, các văn bản luật và hướng dẫn dưới luật về CSR ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện dù Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc.

CSR cần hiểu là dành cho cả chủ lẫn người lao động. Bà Clemence Aron, Giám đốc dự án Trách nghiệm xã hội doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV - Chambre de Commerce et d'Industrie France-Vietnam), cho rằng: "Ý kiến đề xuất công đoàn độc lập với doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam coi như chỉ mới làm được vế đầu, nhưng chưa có câu câu trả lời.

 "Tại Việt Nam nhận thức của doanh nghiệp về CSR mới ở mức tuân thủ. Việc cập nhật luật cho doanh nghiệp còn rất chậm" - và bà Clemence Aron, nhận xét thêm: Quản lý lao động có trách nhiệm xã hội đặt nhân sự làm trọng tâm, có cách thức đo lường công việc rõ ràng; có chương trình đào tạo cho nhân viên. Người lao động cần được thông tin một cách rõ ràng vấn đề an toàn lao động, sức khỏe của người lao động, kỹ năng làm việc, cải thiện môi trường làm việc.

Nói vậy thì doanh nghiệp phải làm gì? Doanh nghiệp cần xác định lĩnh vực doanh nghiệp muốn thực hiện CSR gắn với mục tiêu phát triển bền vững như thế nào. Từ đó khuyến khích nhân viên tham gia vào các dự án CSR của doanh nghiệp, theo bà Clemence Aron: Không chỉ giúp phát triển năng lực lãnh đạo mà còn hỗ trợ gắn kết nhân viên với giá trị của doanh nghiệp, gắn kết cộng đồng địa phương với chiến dịch CSR của doanh nghiệp và cuối cùng là gắn kết khách hàng với hoạt động CSR, lan tỏa giá trị doanh nghiệp.

 Các doanh nghiệp Việt Nam càng phải thực hiện chặt chẽ, mẫu mực, điển hình về  CSR, để việc thu hút đầu tư FDI có sẵn bằng chứng sống động về ý thức trách nhiệm xã hội và sự tôn trọng từ nhà đầu tư nước ngoài. 

CSR tạo lòng tin

"Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm của các công ty có uy tín về CSR" - bà Joyce Chau, giám đốc Asia Pacific, đại diện Hiệp hội thương mại tự do (Amfori) tại Bỉ cho biết: Amfori có kim ngạch 2.000 tỉ Euro từ các DN thành viên (Walmart cũng đã tham gia vào mạng lưới này).

Với hơn 2.400 doanh nghiệp thành viên từ 45 quốc gia cam kết thương mại mở, trong đó, có 326 thành viên của Amfori tìm nguồn cung cấp từ Việt Nam. Các đối tác cung cấp tại Việt Nam nhận xét thế hệ trẻ chi nhiều hơn 70% cho những sản phẩm có thương hiệu, có ý thức thúc đẩy giải quyết các vấn đề xã hội. Tương tự, thế hệ trẻ chiếm tỷ trọng tiêu dùng rất lớn trong nguồn lực mua sắm toàn cầu, họ có nhận thức rất mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mỗi năm, Amfori thực hiện 20.000 cuộc thanh tra độc lập đối với các nhà xưởng, kết quả được thừa nhận với thành viên và còn vượt  hơn cả chứng nhận. Tại Việt Nam, năm 2018 Amfori thực hiện 571 cuộc thanh tra ở các nhà cung ứng, thực tế cho thấy 3 thách thức:1/Hệ thống quản lý (Việt Nam đang không chỉ gặp khó về nhân sự cấp thấp mà còn gặp khó về cả quản lý cấp trung tới cấp cao); 2/Giờ làm việc (quá nhiều giờ làm việc trong khi năng suất lao động lại thấp); 3/An toàn lao động chưa được chú trọng.

So với Top dẫn đầu ở ASEAN - có  mức độ "rủi ro thấp" - Singapore được đánh giá 89 điểm về an toàn và Brunei là 70,5 điểm trong khi Việt Nam là 41,2 điểm, cao hơn Myanmar (19,8 điểm); Campuchia (24,7 điểm) và Lào (27,6 điểm).

"Các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện 3 chỉ tiêu chính mà bên mua luôn yêu cầu: Tiêu chuẩn (quy cách, chứng nhận tùy thị trường, số lượng); xã hội (lao động trẻ em, chế độ cho người lao động, thực hiện đủ nghĩa vụ thuế…) và môi trường", theo ông Vincent Gothknecht: Khi tiếp cận thị trường EU thì tất cả hàng hóa phải đi theo tiêu chuẩn.

I Schroeder được thành lập từ năm 1953 ở Đức, đã có mặt tại Việt Nam 5 năm nay để mua trái cây, nông thủy sản chế biến của Việt Nam xuất đi EU. Từ chứng nhận tiêu chuẩn tới lao động, nhà xưởng, nguyên liệu an toàn cho tới trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội… là cách tăng cường niềm tin đối với người tiêu dùng.

 "Việt Nam đang phát động phong trào khởi nghiệp, tôi đi và nghe nhiều nơi, các địa phương khuyến khích thành lập công ty, khuyến khích người trẻ làm chủ, làm giàu từ tài nguyên địa phương. Nhưng chưa thấy có chương trình nào nói cho Startup biết phải đưa CSR vào chương trình dài hạn, thực hiện ngay khi thành lập công ty", ông Vincent Gothknecht, giám đốc công ty I Schroeder, ngạc nhiên, nói.

 "Thị trường EU có Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI - Business Social Compliance Initiative) muốn bán hàng sang EU, doanh nghiệp Việt Nam phải bằng mọi cách chuyển đổi mới có được tấm vé để vào thị trường này. "CSR trở thành vấn đề cấp bách và khó khăn nếu không tiếp cận ngay từ bây giờ", ông Vincent Gothknecht đưa ra lời khuyên.

Châu Lan - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế