Thị trường TCNKG Việt Nam đang có biểu hiện phát triển lệch lạc, triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nảy sinh lợi ích nhóm. Nguồn: TL
Nhìn lại tiến trình hình thành thế “độc quyền” của ngành TKGCN
Quay trở những năm 2013-2014, câu chuyện nóng bỏng của ngành thép thời gian này là việc Công ty TNHH Posco VST (Posco VST) và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình (Inox Hòa Bình) đệ trình hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương Việt Nam (Cơ quan điều tra) áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (hàng hóa thuộc đối tượng điều tra) nhập khẩu từ từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Thời điểm đó, Posco VST và Inox Hòa Bình chiếm lĩnh trên 81% thị phần so với các nhà sản xuất nội địa còn lại. Dù có thị phần cao nhưng xét về năng lực, cả Posco VST và Inox Hòa Bình đều có nhiều hạn chế, không thể cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng cao cho thị trường, đồng thời vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu cán nóng (HR).
Những tưởng lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ thương mại quốc tế, biện pháp phòng vệ để kiện doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp thị trường TKGCN phát triển minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất của đại đa số các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TKGCN đã thành hiện thực.
Tháng 9/2014, Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm TKGCN, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan và Malaysia.
Điều này đồng nghĩa với việc, hàng nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người tiêu dùng trong nước sử dụng TKGCN hoàn toàn bị phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Posco VST và Inox Hòa Bình.
Lúc này, thị trường TKGCN biến thành một sân chơi không công bằng, bị triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Bởi lẽ, chỉ hai doanh nghiệp đứng đơn đã chiếm tới 81,1% thị phần nội địa cho thấy có quá ít doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng mặt hàng này tại Việt Nam.
Sau khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm TKGCN nhập khẩu, với lợi thế là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sử dụng gần như 100% nguyên liệu được cung cấp bởi các công ty con thuộc Tập đoàn Posco ở nước ngoài, Posco VST nghiễm nhiên là “ngư ông đắc lợi” dẫn dắt toàn bộ thị trường TKGCN Việt Nam, bên cạnh một Hòa Bình Inox ngày càng mờ nhạt.
Mặt khác, rào cản thương mại mà Bộ Công Thương dựng lên giúp Posco VST như “hổ mọc thêm cánh” và dường như đây là mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng mà Posco VST nhắm đến sau khi thực hiện đầy đủ các bước đi đầy toan tính.
Trong giai đoạn từ 2009 - 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của Posco VST chỉ biết “lỗ chồng lỗ”, năm 2009, Công ty lỗ 126,76 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 138,83 tỷ đồng. Con số này của năm 2011 là 201,96 tỷ đồng và năm 2012 là 583,82 tỷ đồng.
Thế nhưng, bên cạnh các khoản lỗ trăm tỷ, Posco VST vẫn “lặng lẽ” bạo chi cho những khoản đầu tư “khủng” để mua lại Nhà máy Sản xuất thép không gỉ Asia Stainless (cũng là doanh nghiệp FDI 100% vốn Hàn Quốc) ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), công suất 30.000 tấn, sau đó nâng công suất lên 85.000 tấn vào tháng 10/2009.
Cuối năm 2010, Posco VST lại tiếp tục khởi công xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội, vốn đầu tư 130 triệu USD, công suất 150.000 tấn/năm. Nhà máy này đã đi vào hoạt động tháng 3/2012, góp phần nâng tổng công suất của cả hai nhà máy lên 235.000 tấn/năm.
Một trong những động thái đáng chú ý nhất của Posco VST tại Việt Nam, đó là vào tháng 5/2013, công ty này đã cùng Công ty Inox Hòa Bình nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Posco VST thậm chí còn đề nghị nâng thuế suất thuế nhập khẩu các loại thép không gỉ cán nguội lên 20 - 40%.
Gần 5 năm áp thuế chống bán phá giá đối sản phẩm TKGCN nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chặn đứng khả năng tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không rỉ với mức giá cạnh tranh của thị trường trong nước, còn các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam sử dụng TKGCN làm nguyên liệu đầu vào nhiều phen “bị bóp ngạt”, “ngấm đòn” lên xuống về giá cả của Posco VST.
Ngay ngáy những nỗi lo nguy cơ thao túng, độc quyền
Thực tế cho thấy, từ 5 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng TKGCN phục vụ cho sản xuất, kinh doanh luôn phải chịu bất lợi.
Đối với những doanh nghiệp này, họ chỉ biết “cam chịu” mua các sản phẩm TKGCN từ Posco VST mà không có lựa chọn thứ hai do Posco VST là nhà cung cấp thép không gỉ khổ lớn duy nhất tại Việt Nam. Các nhà cung cấp nội địa chỉ sản xuất thép cuốn khổ dưới 60cm.
Với “thế mạnh” và ưu thế tuyệt đối, Posco VST có thể vô tư áp đặt và dẫn dắt thị trường theo ý muốn. Các nhà sản xuất trong nước không có sự lựa chọn khác cũng như không được quyền đàm phán về giá và bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp này.
Chủ của một doanh nghiệp chuyên gia công các tấm inox khổ lớn nhập nguồn nguyên liệu nhập trực tiếp từ Posco VST cho biết, với ngành gia công inox, nếu Posco VST chỉ cần tăng giá khoảng 50USD/1 tấn thì cũng đã khiến chúng tôi điêu đứng rồi. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thép không gỉ nên chỉ cần biến động nhẹ thôi sẽ làm đội chi phí lên rất nhiều. Lãi đã thấp, đối mặt với rủi ro cao, nếu chúng tôi tự ý tăng giá ngay lập tức sẽ đánh mất thị trường.
“Hiện giá nguyên liệu đã chiếm tới 70 – 80% tỉ trọng giá sản xuất sản phẩm inox. Cùng với chi phí quản lý, bán hàng, nhân công, điện, nước… đều tăng thì biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng bị cắt mỏng. Chi phí sản xuất không tăng tương ứng với giá bán thành phẩm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau. Cuối cùng, để tranh giành thị phần thì buộc phải hạ giá bán dẫn đến biên lợi nhuận của ngành inox rất thấp. Điều này là không tốt và không thể xây dựng một thị trường bền vững, lành mạnh được” – bà T.T.K chia sẻ.
Ở góc độ khác, chị D., chủ đại lý bồn nước trên địa bàn Hà Nội cho hay, dù phân phối nhiều loại bồn của các hãng lớn khác nhau nhưng tựu chung lại, trong vài năm trở lại, độ bền của bồn chứa nước bằng inox không được như trước. Chưa thể khẳng định do lỗi của nhà sản xuất, do chất lượng thép hay do nguồn nước. Tuy nhiên, đại lý ghi nhận được nhiều thông tin phản hồi tiêu cực từ khách hàng bày tỏ sự bức xúc vì bồn nước mới sử dụng đã có hiện tượng rò nước, han gỉ nghiêm trọng. Và sản phẩm của các hãng phải đem trả lại để bảo hành khá nhiều. Khi đại lý trao đổi lại với các nhà sản xuất, họ cho biết các sản phẩm đã có nhiều cải tiến về công nghệ nhưng chất lượng thép có vấn đề nên rất khó để cải thiện được.
Thép cán nguội không gỉ (inox) là nguyên liệu cơ bản để phục vụ hàng chục ngành sản xuất quan trọng. Sau khi hàng rào thuế quan được dựng lên, thay vì mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất inox thành phẩm tại Việt Nam đã lựa chọn là thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài hoặc đẩy giá sản phẩm lên.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc áp thuế chống bán phá giá TKGCN thực chất là bảo hộ cho Posco VST. Doanh nghiệp này được hưởng lợi để gặt hái những lợi ích to lớn từ chính những khách hàng, những người Việt Nam vì đã nắm trong tay gần hết thị trường.
Về lý thuyết, độc quyền là trạng thái chỉ có một người bán hoặc một người mua. Nếu như trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng, thì mỗi doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không thể gây ảnh hưởng được tới giá bán sản phẩm, mà phải chấp nhận giá theo quy luật cạnh tranh của thị trường.
Thị trường độc quyền thì ngược lại, doanh nghiệp độc quyền kiểm soát toàn bộ lượng cung hàng hóa nên có thể quyết định giá sản phẩm của mình để hưởng lợi nhuận siêu ngạch.
Ngay từ đầu, việc kiện chống bán phá giá theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh inox (không muốn nên tên) có dấu hiệu “lợi ích nhóm” và giá bán, sản lượng các sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu không hề ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Ngược lại, hiện tại, giá TKGCN tại Việt Nam là khoảng 2.100 USD/tấn. Đây là mức giá cao so với các thị trường khác trong khu vực.
Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải gánh chịu, chứ không phải là các doanh nghiệp xuất khẩu bên ngoài. Do đó, Bộ Công Thương cần cân nhắc bài toán lợi ích của tất cả các bên là doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Cần phá vỡ thế độc quyền của những doanh nghiệp có biểu hiện lũng đoạn
Có thể nói, nếu như ở một thị trường mà có nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh nhau thì doanh nghiệp nào có sản phẩm chất lượng tốt, dịch vụ chu đáo, giá cả hợp lý sẽ được khách hàng lựa chọn.
Còn nếu trong một thị trường mà chỉ có một doanh nghiệp độc quyền cung cấp sản phẩm thì dù giá có cao, chất lượng sản phẩm tầm thường, cung ứng còn tồn tại nhiều bất cập thì người dân cũng phải “cắn răng mà chịu”.
Điển hình cho ví dụ trên có thể thấy, Posco VST đang được chiều chuộng như một “ông hoàng” trong làng thép Việt.
Các nguồn thép không gỉ cán nguội đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Indonexia… đều bị áp thuế chống phá giá từ 9,55% đến 37,29%.
Mặt khác, Posco VST - doanh nghiệp 100% vốn FDI có nhà máy tại Việt Nam nhưng thành tích nộp thuế vào ngân sách nhà nước ở mức độ trung bình, lại “ưu ái” một cách bất thường.
Một chuyên gia trong ngành inox cán nguội cho biết: Minh chứng rõ ràng nhất hiện nay là ở Việt Nam, giá inox cán nguội trong nước rất cao, về chất lượng chưa tương xứng tiêu chuẩn. Hiện tại, TKGCN khổ lớn chỉ duy nhất Posco VST, chiếm lĩnh trọn vẹn thị trường; TKGCN khổ nhỏ có vài doanh nghiệp sản xuất với công nghê cũ, máy móc lạc hậu, lỗi thời. Dẫn đến thực trạng, sản phẩm sản xuất ra giá quá cao so với thép khôn gỉ thế giới, chất lượng tồn tại nhiều vấn đề.
Ngoài ra, giá thép cán nóng và cán nguội có mức chênh lệch từ 200 – 300 USD/tấn, gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước bởi giá thành sản phẩm bán trên thị trường không được tăng trong khi gia nguyên vật liệu liên tục tăng, làm mất đi tính cạnh trạnh của sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.
Doanh nghiệp được hưởng lợi trong thế độc quyền này là doanh nghiệp nước ngoài, lợi nhuận mang về nước họ, trong khi Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, tác động như: ô nhiễm môi trường, người dân bị mất đất đai canh tác, sản xuất, thậm chí nảy sinh biểu hiện trốn thuế, chuyển giá, nợ đọng bảo hiểm xã hội… Trong khi người tiêu dùng vẫn phải chịu mức giá thành cao.
Việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan bất hợp lý hoặc có thêm các nhà sản xuất khác với công nghê tân tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường, sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ cũng là rất cần thiết, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, xem xét, có biện pháp xử lý, tháo gỡ, thúc đẩy kịp thời.
Có như vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có nguồn cung dồi dào, tăng tính minh bạch của thị trường, người dân được hưởng lợi, các nhà sản xuất, nhà thầu, nhà đầu tư có thêm phương án chọn lựa, đánh giá dự trên các tiêu chí về giá thành, chất lượng… từng bước làm chủ công nghệ, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hơn nữa, nếu làm tốt công tác thu hút đầu tư, công nghệ, ứng dụng hiện đại vào ngày thép sẽ là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo sân chơi bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giải quyết vấn đề dân sinh, sinh kế tại các địa phương và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đất nước.