Mua điện Trung Quốc không căn cơ

Thứ hai, 17 Tháng 6 2019 08:50 (GMT+7)
Việc nhập điện từ nước ngoài cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn, tránh lệ thuộc

Báo cáo của Bộ Công Thương cách đây ít ngày về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) cho thấy do nhiều khó khăn về nguồn và lưới, cần nghiên cứu và tính toán các phương án để tăng cường việc mua điện từ Lào và Trung Quốc.

Nhập điện lâu dài

Theo đó, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với Công ty Lưới điện Phong Nam của Trung Quốc (CSG) tăng nhập khẩu điện qua các đường dây 220 KV hiện hữu và phối hợp CSG đầu tư hệ thống Back-To-Back để tăng mua điện từ năm 2022 mà không phải thực hiện tách lưới. Đồng thời, nghiên cứu mua điện qua cấp điện áp 500 KV để có thể mua từ năm 2025 và chấp thuận chủ trương tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Mua điện Trung Quốc không căn cơ - Ảnh 1.

Ngành điện đang gặp khó khăn lớn về nguồn và lưới điện Ảnh: VIỆT HÀ

Nguyên nhân cần nhập khẩu điện, theo Bộ Công Thương, là do chậm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, nhất là tại miền Nam. Chưa kể, bức tranh phát triển tổng thể các nguồn phát đang vấp phải những rào cản lớn từ chính sách tới tâm lý dư luận. GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, phân tích: "Tình hình phát điện đã bắt đầu khó khăn bởi không có thêm dự án nguồn điện nào đưa vào vận hành. Nguồn thủy điện phụ thuộc vào thời tiết, chương trình phát triển điện hạt nhân đã bị dừng lại, năng lượng tái tạo có giá cao và trong tương lai gần chưa bù đắp được thiếu hụt. Chỉ có thể trông đợi vào nhiệt điện than dù nguồn này vấp phải dư luận về vấn đề môi trường. Tuy vậy, nhiệt điện than phụ thuộc vào than nhập khẩu nên không chắc chắn về tính ổn định. Do đó, không có cách nào khác ngoài việc tính đến tăng nguồn và mua điện nước ngoài".

Chuyên gia lo ngại sẽ có rủi ro

Ông Trần Đình Long cho rằng khi các nguồn thủy điện và nhiệt điện đã hết dư địa, ngành điện bắt buộc phải sử dụng nguồn khác rất đắt tiền như chạy dầu (khoảng 5.000 đồng/KWh), chạy khí (khoảng hơn 2.000 đồng/KWh) để bảo đảm phát điện. Ngoài ra, điện mặt trời hiện có giá hơn 2.000 đồng/KWh đối với các dự án hoàn thành trước ngày 30-6, chưa tính đến chi phí vận hành. Do đó, nhập khẩu điện Trung Quốc tuy không phải phương án được trông đợi nhưng nếu so sánh việc huy động nguồn giá cao trong nước với mua nước ngoài rẻ hơn thì có thể chọn mua từ nước ngoài để giảm bớt chi phí.

Theo EVN, giá mua điện Trung Quốc qua đường dây 220 KV hiện là 5,5 cent/KWh, tương đương khoảng 1.200 đồng/KWh. Nếu như trước đây, mức giá này gấp 2-3 lần giá mua của các nhà máy thủy điện trong nước thì nay, khoảng cách đã thu lại đáng kể.

PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhìn nhận giá mua điện Trung Quốc đã rẻ hơn nhiều nguồn phát trong nước và đang ở mức tương đương với giá mua thủy điện trên thị trường cạnh tranh. Như vậy, hoàn toàn có thể mua để bù đắp thiếu hụt. Trong một số tình huống, nếu không thực sự rẻ nhưng quá cấp bách thì cũng "bất đắc dĩ" chấp nhận việc nhập khẩu này. Tuy nhiên, phải cân nhắc kỹ để bảo đảm an toàn nguồn điện, tránh lệ thuộc nguồn điện vào quốc gia mà Việt Nam vốn đã phụ thuộc nhiều về thương mại.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đánh giá Việt Nam mức nhập khẩu vài ngàn MW điện từ Trung Quốc mỗi năm là không đáng kể so với tổng nhu cầu điện thương phẩm. Do đó, giải pháp nhập điện Lào, Trung Quốc để phục vụ nhu cầu miền Bắc, đẩy điện sản xuất từ miền Bắc vào phục vụ nhu cầu miền Nam là cần thiết nhưng không căn cơ.

"Quy hoạch đưa ra con số tỉ lệ nhập khẩu giảm dần nhưng qua theo dõi và tính toán, tôi cho rằng sẽ tăng nhập khẩu điện 5%-7% bởi nhu cầu tăng trưởng điện hiện nay là hơn 10%. Như vậy, sẽ có rủi ro phụ thuộc bởi không rõ các nguồn của nước ngoài có cung cấp đủ cho nhu cầu của Việt Nam hay không, việc truyền tải về có bảo đảm an toàn cho hệ thống hay không, nếu trục trặc sẽ gây mất an toàn lớn" - ông Ngãi lo lắng.

PHƯƠNG NHUNG - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế