Khai khoáng ở Quảng Nam: Chính phủ “cởi trói”, địa phương “buộc lại”?

Thứ ba, 18 Tháng 6 2019 19:17 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản bức xúc việc tỉnh Quảng Nam áp dụng các quyết định “cũ” gây khó khăn cho doanh nghiệp về việc khai thác khoáng sản không đúng như quyết định số 910 của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Dân Việt nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bức xúc về quyết định số 2691 ngày 4/9/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Đinh Văn Thu - lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) ký, thay thế quyết định số 144 ngày 10/1/2011 cũng do ông Đinh Văn Thu ký về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 gây khó cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái với quyết định 910 của Chính phủ mới ban hành.

Chính phủ “cởi trói” về khai khoáng.

Dân Việt tìm hiểu, quyết định số 910 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/7/2018 đã “cởi trói” cho việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035”.

Quyết định của Chính phủ nêu rõ: Quy hoạch quặng vàng, đồng, niken, molipden phù hợp với chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, củng cố công tác quốc phòng, an ninh và phải hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và dân cư trong vùng khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, niken, molipden.

Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các nguồn tài nguyên khác…

Hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến quặng vàng, đồng, niken, molipden quy mô nhỏ manh mún, thủ công, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, tổn thất tài nguyên, tiêu thụ năng lượng cao và gây ô nhiễm môi trường để hình thành các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo yêu cầu về môi trường, sở hữu nhiều mỏ để chế biến sâu quặng vàng, đồng, niken, molipden ổn định và lâu dài.

khai khoang o quang nam: chinh phu “coi troi”, dia phuong “buoc lai”? hinh anh 1

Quyết định 910 của Chính phủ đã "cởi trói" cho việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

 “Mục tiêu phát triển quặng vàng giai đoạn đến năm 2025  hoàn thành 16 dự án đầu tư mới và 5 dự án cải tạo, mở rộng khai thác, tuyển (chế biến) quặng vàng trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên và Lâm Đồng. Phấn đấu sản lượng khai tuyển đạt 146,433 nghìn tấn tinh quặng vàng vào năm 2020 và 146,393 nghìn tấn tinh quặng vàng vào năm 2025.

Quy hoạch thăm dò quặng vàng giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành 18 đề án thăm dò và thăm dò nâng cấp trữ lượng, trong đó hoàn thành 15 đề án đã cấp phép thăm dò tại các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Lâm Đồng và cấp phép mới 03 đề án thăm dò tại các tỉnh: Yên Bái, Nghệ An và Phú Yên” - quyết định của Thủ tướng nêu rõ.

Địa phương đi hướng ngược?

Trong khi Chính phủ đã có quyết định rõ ràng và chỉ rõ từng địa phương được “cởi trói” cho việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và mục tiêu rất cụ thể, thế nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn còn áp dụng những quyết định cũ “ràng buộc” các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm cho họ bức xúc.

Các DN bức xúc, quyết định số 144 do ông Đinh Văn Thu ký với nội dung “Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (ngoài các khu vực quy hoạch khoáng sản chung cả nước đã được công bố).  

Tại quyết định này, bao gồm 6 nhóm khoáng sản được phép thăm dò, khai thác như: than đá, titan, thiếc - wolfram, quặng, sắt, vàng và nước khoáng, vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp.

khai khoang o quang nam: chinh phu “coi troi”, dia phuong “buoc lai”? hinh anh 2

Tỉnh Quảng Nam vẫn còn áp dụng quyết định cũ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo mục tiêu, định hướng phát triển của quyết định nêu rõ: “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và của ngành công nghiệp Việt Nam; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội và các quy hoạch khác của tỉnh…”

Ngoài ra, quan điểm, định hướng của quyết định 144 còn nêu rõ: “Quy hoạch khoáng sản vàng từ 2011 đến 2015 cho phép các mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, chế biến hoạt động. Khai thác đảm bảo theo chiều sâu mạch quặng. Không cho phép mở rộng diện tích mỏ và cấp thêm mỏ mới; Từ năm 2016 đến 2025 cho phép mở rộng diện tích mỏ và cấp phép mỏ mới nằm trong quy hoạch theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đối với vàng sa khoáng (17 điểm) chỉ cấp phép khai thác vàng sa khoáng trong khu vực lòng hồ thuỷ điện đang đầu tư xây dựng. Sau năm 2015 chấm dứt việc cấp phép khai thác vàng sa khoáng.

Không khai thác lộ thiên đối với vàng gốc. Chỉ quy hoạch, cho phép khai thác vàng sa khoáng trong phạm vi lòng hồ dự án thuỷ điện đang được đầu tư xây dựng nhằm tránh lãng phí tài nguyên”.

khai khoang o quang nam: chinh phu “coi troi”, dia phuong “buoc lai”? hinh anh 3

Nhiều DN cho rằng với quyết định cũ này sẽ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, "vàng tặc" sẽ hoành hành

Điều mà nhiều doanh nghiệp bức xúc ở đây, quyết định 144 của tỉnh nêu rõ như vậy, nhưng tại quyết định số 2691 được ông Đinh Văn Thu ký ngày 4/9/2014, thay thế QĐ 144 phê duyệt chỉ nêu rõ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chỉ còn 4 nhóm khoáng sản gồm: đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; sét gạch ngói; đất san lấp. Và đã loại hết các khoáng sản như: than đá, titan, thiếc - wolfram, quặng, sắt, vàng ra ngoài trái với chủ trương quyết định 144 trước đó.

“Nếu trường hợp này HĐND tỉnh không đồng ý bổ sung quy hoạch các nhóm khoáng sản vàng, quặng thì công ty dẫn đến phá sản vì đã đầu tư tất cả công trường, đầu tư làm thủ tục. Qua xem xét tài liệu và tổng hợp thì thấy các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh sai và có những văn bản không đồng bộ, thống nhất:

Thứ nhất, QĐ số 144 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (ngoài các khu vực quy hoạch khoáng sản chung cả nước đã công bố).

Nhưng QĐ số 2691 chỉ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong quyết định có điều 3 lại thay thế quyết định số 144 là không đúng; xoá bỏ các điều đã khảo sát, điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng cấp phép một số tài nguyên, khoáng sản là lãng phí tiền của, ngân sách nhà nước, và trái với quy định về quản lí tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, quyết định số 23/2012 ngày 20/08/2012 thì quyết định số 14/2018 ngày 27/11/2018 điều 21 có điều khoản chuyển tiếp. Như vậy, những công ty đã được cấp phép của tỉnh và những điểm theo quyết định số 910/QĐ-TTg thì chờ báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh” - một số doanh nghiệp bức xúc.

Trao đổi với ông Văn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam kiêm người phát ngôn cho biết, đến nay chưa nhận được phản ánh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản về quyết định số 2691. “Tôi sẽ cho kiểm tra lại quyết định này và quyết định mới của Chính phủ, sẽ trả lời sau cho báo chí được rõ”

Dân Việt tiếp tục thông tin./.

Trương Hồng - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế