TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Internet)
Chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 18/6, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, trong số 4 cụm từ khoá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho khu vực kinh tế tư nhân là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”, bản thân ông ấn tượng nhất với cụm từ “trao cơ hội”.
“Trao cơ hội ở đây không phải là xin-cho, mà là sự nhìn nhận của Chính phủ với kinh tế tư nhân. Nó là cơ hội sản xuất - kinh doanh mang lại cho tư nhân nhiều hơn và đồng thời phản ánh bản chất của quá trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam. Yếu tố khích lệ về lâu dài cũng phải được thực hiện đúng cách, đúng cam kết, phù hợp với kinh tế thị trường”, TS. Võ Trí Thành nói.
Nói về yếu tố đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế, ông Võ Trí Thành nhắc lại vai trò của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước.
“Công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những điều luật pháp không cấm. Về nguyên tắc, điều này đúng. Nhưng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, phải xem xét lại. Chúng ta phải cho công chức quyền được sáng tạo, thậm chí, cho phép họ được mắc sai lầm.
Trò chuyện với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi cho rằng có rất nhiều điểm kỳ lạ, bất thường trong phát triển ở thời đại 4.0. Quá trình phát triển không phải được mô tả bằng đường tuyến tính kéo dài, mà là những đường gãy khúc. Điều này cho thấy rất nhiều điều chúng ta chưa biết, chưa hiểu rõ. Vậy nên, chúng ta rất cần sự sáng tạo. Nếu công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép thì quá trình đổi mới, sáng tạo sẽ diễn ra rất chậm, rất dài và vẫn có thể mắc sai sót”, TS. Võ Trí Thành phân tích.
Theo TS. Võ Trí Thành, người công chức, trong quá trình làm việc, luôn phải đối mặt với sự xung đột giữa một bên là lợi ích riêng tư và một bên là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, hướng tới sự phát triển. Chúng ta hay đòi hỏi người công chức phải chuyên nghiệp, minh bạch và đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng có một vấn đề gần đây chúng ta mới thảo luận là hệ thống động lực để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Từ đây, ông Thành đề xuất, cần có cơ chế, động lực khuyến khích công chức làm tốt, thậm chí biết sáng tạo và chấp nhận sai lầm của họ.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điển hình như Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018, nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…
Đặc biệt, trong năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
“Như vậy, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Song song với đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.