Sau rất nhiều lần trình Dự thảo thì ngày 14/6/2019, Bộ GTVT lại có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) lần thứ 9. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, Dự thảo lần này vẫn chưa đạt yêu cầu do Phó Thủ tướng đặt ra trước đó, còn nặng nề về thủ tục hành chính, cũng như thể hiện tư duy quản lý lạc hậu, không thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc "gắn mào" cho các xe hoạt động trên ứng dụng là không cần thiết.
Cụ thể hơn, Dự thảo vẫn chưa xử lý được hai vấn đề tiếp tục gây tranh cãi gần đây là dịch vụ kết nối giữa lái xe và hành khách được phân loại là dịch vụ gì và xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động có cần phải gắn đèn taxi trên nóc xe hay không.
Trước đó, tại hai cuộc họp rà soát dự thảo ngày 06/3/2019 và ngày 29/5/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hai lần kết luận “nội dung dự thảo Nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật giao thông đường bộ, Luật giao dịch điện tử…”, “dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.
Đánh giá về Dự thảo mới nhất vừa trình Chính phủ, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Dự thảo Nghị định lần này Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) về tách riêng loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối. Ý kiến này của Bộ TT&TT hoàn toàn tương đồng với quan điểm của CIEM rằng phải có một quy định mới, riêng biệt dành cho nhóm dịch vụ này. Tuy nhiên, các nội dung quy định đối với nhóm dịch vụ này như trong dự thảo chưa phù hợp; sử dụng công cụ quản lý cũ để áp vào quản lý mô hình kinh doanh mới, dẫn tới chồng chéo về khái niệm và quy định.
Sự chồng chéo dễ nhận thấy nhất là cùng một loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối, đặt xe trên thị trường (như Grab, FastGo, Go-Viet, Be), dự thảo Nghị định hiện đưa ra 3 khái niệm và quy định khác nhau do 3 Bộ quản lý (chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như công an, quản lý giá, thuế, v.v.), bao gồm: kinh doanh vận tải (do Bộ Giao thông vận tải quản lý), thương mại điện tử (do Bộ Công Thương quản lý), và nền tảng công nghệ (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý).
Bên cạnh đó, quy định lắp hộp đèn nóc đối với tất cả các loại xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách cũng như quy định bảy nhóm nội dung buộc phải có trong hợp đồng vận tải, và yêu cầu tất cả các nội dung này phải được hiển thị đầy đủ cùng lúc trên giao diện phần mềm cho hành khách. Hay việc giới hạn 70% thời gian hoạt động của xe trong địa phương cấp giấy phép kinh doanh; bắt các loại xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch vừa phải có phù hiệu viết rõ tên loại xe, vừa phải có hộp đèn cũng với các chữ viết tương tự trên nóc xe; yêu cầu gửi văn bản hoặc email về thông tin từng hợp đồng... cũng đang bị xem là không phù hợp, gây khó cho doanh nghiệp.
Trao đổi về những nội dung trên, bà Thảo nêu rõ: “Những quy định trên đã thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, chủ yếu vì mục tiêu dễ quản lý cho cơ quan nhà nước hơn là tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích các ý tưởng kinh doanh sáng tạo”.
Đồng thời bà cho rằng, việc tiếp tục sử dụng các công cụ quản lý dựa trên cảm quan (như phù hiệu, chữ niêm yết, hộp đèn, ...) sẽ không giúp tăng thêm hiệu quả quản lý, ngược lại làm tăng chi phí quản lý do cần nhiều nhân lực quản lý hơn, đồng thời tạo cơ hội cho các hành vi tùy tiện, nhũng nhiễu.
“Thậm chí, còn có sự lo ngại về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận thông tin và quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh này, nhưng không được ban soạn thảo tiếp thu” – bà Thảo cho hay.
Ở những lần dự thảo trước, Nghị định này cũng vấp phải sự phản ứng của nhiều người. TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, cho rằng việc "gắn mào", phù hiệu xe taxi cho các xe hoạt động trên ứng dụng là không cần thiết, gây tốn kém.
Cùng quan điểm, chuyên gia Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc quản lý xe hoạt động trên ứng dụng như taxi truyền thống là không hợp lý bởi các xe này đã được quản lý một cách hiện đại bằng công nghệ.
Việc bị quy hết thành taxi được nhận định là sẽ "bóp nghẹt" sự phát triển của các start up và ứng dụng về vận tải hành khách từ đó làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại bởi chính sự cạnh tranh cũngnhư sự xuất hiện của các ứng dụng trên thời gian qua đã khiến các hãng taxi chú trọng hơn đến việc chăm sóc khách hàng từ chính sách đến giá cả. “Nếu giờ chúng ta quản lý Grab hay các ứng dụng gọi xe khác như taxi truyền thống thì tất cả về con số 0, còn gọi gì là 4.0”, ông Liên nói.
Trong khu vực ASEAN, nhiều quốc gia đã dần hợp pháp hóa mô hình ứng dụng kết nối trung gian cho xe hợp đồng, bao gồm Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Myanmar. Tại các quốc gia còn lại trong khu vực, các chính phủ, tuy chưa có quy định riêng cho mô hình này, cũng không có động thái cấm đoán ứng dụng công nghệ cho các mô hình kinh doanh vận tải đã được cấp phép.
Tại phần lớn những quốc gia lớn trên thế giới đã sớm cho phép ứng dụng mô hình kết nối như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, v.v. (trừ những trường hợp ứng dụng bị dừng hoạt động do kết nối với xe không có giấy phép kinh doanh vận tải chuyên nghiệp). Các quốc gia này có quy định riêng cho các ứng dụng và quy định riêng cho xe được kết nối (có giấy phép kinh doanh, đăng ký với cơ quan quản lý, dán đề can nhận diện, v.v.). Tuy nhiên, không có quy định nào yêu cầu các xe kết nối phải là taxi và phải có hộp đèn taxi.