Trong khi các doanh nghiệp (DN) đầu tư lớn vào nông nghiệp hữu cơ chịu nhiều rủi ro về chi phí, thị trường... thì những nông dân canh tác hữu cơ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đang "sống được" nhờ mô hình phù hợp.
Gần 80 tuổi vẫn đi học trồng rau
Bà Đào Thị Hóa (78 tuổi; ngụ ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) là một trong 3 thành viên của Nhóm rau Bình Phú được xác nhận tuân thủ theo các tiêu chuẩn hữu cơ của Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) đã được Tổ chức Các phong trào Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) công nhận.
Sản phẩm của Nhóm rau Bình Phú
Gia đình bà chỉ có 400 m2 đất vườn trồng rau theo cách thông thường: bón phân hóa học và xịt thuốc hóa học khi rau bệnh. "Hằng ngày, tui đem rau ra chợ bán, thu nhập bấp bênh nhưng ngán nhất là rau được phun xịt thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tui thấy nhiều vườn gần nhà chuyển sang làm rau hữu cơ, khỏe người mà lại "có ăn" nên mạnh dạn tham gia khi có nhóm mới được thành lập" - bà Hóa kể. Để tham gia vào nhóm, bà Hóa phải đi học cách ủ phân, xịt thuốc từ ớt, tỏi… sao cho đúng. "Giờ trồng rau tuy vẫn luôn tay luôn chân cả ngày vì nhổ cỏ, tưới nước, hái rau… nhưng không phải đem ra chợ bán mà thu hoạch xong gửi xe bán cho mối ở TP HCM. Tiền bán rau cũng nhiều hơn trước. Hồi mới bắt đầu cũng khó khăn do rau ít, bị cằn, xấu mã nhưng dần dần đất tốt lên thì rau có năng suất, hình thức đẹp hơn dù không xanh mướt như rau xài phân thuốc hóa học" - bà Hóa nói.
Bà Đặng Thị Lệ, Trưởng Nhóm rau Bình Phú, cho hay nhóm có 2.200 m2 đất trồng rau các loại, sản lượng khoảng 1 tấn/tháng được một chuỗi cửa hàng nông sản tại TP HCM bao tiêu. "Họ mua sỉ quanh năm giá 16.000 đồng/kg rau ăn quả (bầu, bí, mướp, khổ qua…), 18.000 đồng/kg rau ăn lá (rau dền, cải, mồng tơi…) và 25.000 đồng/kg rau ăn sống (xà lách, diếp cá, quế…) nên chúng tôi yên tâm canh tác, không lo giá thị trường lên hay xuống" - bà Lệ chia sẻ.
Thị trường quyết định
Theo chị Mayu Ino, nhà sáng lập và điều hành Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn), hệ thống PGS Bến Tre được phát triển từ năm 2014 với 3 nhóm (22 hộ nông dân), diện tích 10.007 m2. Đến nay đã hình thành 7 nhóm (32 hộ nông dân) sản xuất rau, dừa, chuối trên diện tích 80.900 m2 tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam. Một số hộ dân chỉ có 500 m2 đất trồng rau hữu cơ nhưng thu nhập được hơn 10 triệu đồng/tháng.
"Nhiều thời điểm nông dân bỏ cuộc, diện tích canh tác giảm nhưng mừng là phong trào hiện đang phát triển rất tốt. Nguyên nhân là do đầu ra thuận lợi, người tiêu dùng chấp nhận mua rau sạch giá cao nên các cửa hàng thực phẩm sạch phát triển tốt, thực hiện đúng cam kết với nông dân. Không chỉ bán cho các thành phố lớn, người dân tại chỗ cũng chấp nhận giá cao để mua rau sạch. "Nếu tỉ lệ tiêu thụ tại chỗ tăng cao sẽ bớt được chi phí bao bì, vận chuyển, người mua và người bán quen biết, tin tưởng nhau thì cũng không cần bên thứ 3 bảo lãnh thông qua các chứng nhận" - chị Mayu Ino kỳ vọng.
"Làm hữu cơ để thành công phải có thị trường tiêu thụ và nông dân phải muốn làm "sạch" thật sự, không tham lam, không gian dối. Thị trường đang tốt vì người tiêu dùng hưởng ứng sản phẩm hữu cơ, sợ sản phẩm có phân, thuốc hóa học. Nông dân muốn giữ thị trường phải làm đúng, minh bạch" - chị Mayu Ino nhận xét.
Phải đủ sức mới đi xa
Đã có không ít dự án liên kết với nông dân sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ "giữa đường gãy gánh". Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (DN nổi tiếng trong hoạt động tổ chức liên kết với nông dân làm gạo sạch) - cho hay chính công ty ông cũng có lúc phải thu hẹp diện tích liên kết do đầu ra không tương xứng với vùng nguyên liệu.
"Sản xuất lúa sạch chi phí cao hơn, DN bao tiêu giá cao hơn nhưng chưa thể bán giá cao cho người tiêu dùng nên DN phải gánh phần khó. Nếu DN không đủ lực sẽ phải phá vỡ liên kết với nông dân. Vì vậy, để các mô hình phát triển bền vững, cần sự đồng bộ giữa sản xuất và thị trường, người tiêu dùng chấp nhận trả tiền cao hơn cho sản phẩm an toàn" - ông Thòn nhìn nhận.