Chăn nuôi heo tại một hộ dân ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Giá heo hơi thấp
Sau một thời gian giảm xuống ở mức rất thấp, giá heo hơi tại nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL tăng trở lại từ 8.000-10.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Ngày 19-6, tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, heo hơi loại 1 có giá 37.000- 38.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 34.000-36.000 đồng/kg. Giá heo hơi có chiều hướng tăng trở lại do nguồn cung giảm vì ảnh hưởng bởi bệnh DTHCP. Thời gian qua, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố trên cả nước, buộc tiêu hủy hơn 2,5 triệu con heo (gần 150.000 tấn). Bên cạnh đó, nhiều người chăn nuôi heo chủ động xuất bán heo sớm để tránh rủi ro từ dịch bệnh và hạn chế tái đàn. Dù dịch bệnh, nhưng nhìn chung giá heo hơi vẫn còn ở mức khá thấp, chưa đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi heo.
Theo nhiều hộ chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, chi phí để nuôi một con heo đạt 100kg, từ 3,6-3,8 triệu đồng trở lên. Đó là trong trường hợp quá trình chăn nuôi thuận lợi, đàn heo không bị hao hụt, nếu có rủi ro, giá thành chăn nuôi heo còn cao hơn. Trong đó, tiền mỗi con giống khoảng 1 triệu đồng, tiền thức ăn chăn nuôi khoảng 2,5-2,6 triệu đồng, tiền thuốc thú y từ 100.000-200.000 đồng trở lên, ngoài ra còn chi phí tiền điện, nước và công chăm sóc. Do vậy, với giá heo hơi như hiện nay, đa phần người chăn nuôi bị lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Riêng những hộ tự sản xuất con giống và sử dụng các loại thức ăn tự chế để nuôi heo mới có thể kiếm lời vài trăm ngàn đồng/con.
Với tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay, nhiều khả năng giá heo hơi còn tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2020. Song, đó chỉ mới là dự báo, còn hiện tại giá heo vẫn khó có sự phục hồi mạnh do sức tiêu thụ thịt heo tại nhiều địa phương yếu, trong khi nguồn cung thịt heo trên thị trường vẫn dồi dào, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Trên thực tế, giá heo hơi vẫn đang thấp hơn khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm giá tăng cao kỷ lục trong năm 2018. Những tháng gần cuối năm 2018, giá heo hơi có thời điểm đạt mức trên 55.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi “ngại” tái đàn
Ông Võ Thanh Hùng, ngụ ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Để giảm rủi ro do dịch bệnh, tôi tạm thời hạn chế cho heo bố mẹ sinh sản và giảm đàn heo thịt. Các năm trước, gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 5-6 con heo bố mẹ sinh sản heo con và nuôi trên 100 con heo thịt. Thế nhưng, hiện nay tôi giảm xuống chỉ còn 2 con heo bố mẹ và 40 con heo thịt. Người dân chưa nuôi không ai dám mua heo con để bắt đầu nuôi vào lúc này”.
Theo ông Nguyễn Đức Vĩnh ngụ ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, dù thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho chuồng trại nhưng ông vẫn chưa an tâm về đàn heo do đường lây truyền bệnh DTHCP rất phức tạp, vi-rút gây bệnh có thể tồn lưu trong môi trường rất lâu. Do vậy, thời điểm này ông cũng chỉ chăn nuôi heo với số lượng hạn chế, với 3 heo nái và 10 con heo thịt. Hơn nữa, giá heo hơi hiện khá thấp, nên khó tăng đàn heo.
Rất nhiều người dân tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ không nuôi heo hoặc giảm đàn vì giá heo hơi thường xuyên bấp bênh và nhiều loại dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp như: Bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng và gần đây là bệnh DTHCP. Bà Đặng Ngọc Hương, ngụ ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Những ngày qua, gia đình tôi rất lo cho đàn heo của mình khi bệnh DTHCP đã xuất hiện tại huyện Thới Lai, tôi buộc phải tạm ngừng cho heo nái sinh sản và tăng cường thực hiện các giải pháp phòng bệnh cho đàn heo thịt của mình như: phun thuốc tiêu độc sát trùng, hạn chế người ra vào khu vực chuồng trại chăn nuôi, không cho heo ăn thức ăn thừa... Hiện tôi có 1 con heo nái và 8 con heo thịt tới lứa xuất bán nhưng do giá thấp tôi còn neo lại chờ giá tăng. Hơn nữa, thời điểm này cũng ít thương lái hỏi mua heo”. Theo bà Nguyễn Thị Giang, ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, trước tình hình bệnh DTHCP phức tạp, tâm lý chung của bà con nuôi heo là cố gắng bảo vệ đàn heo hiện có, hạn chế mua heo giống, chủ yếu lấy heo giống tự sản xuất để nuôi.
Việc người chăn nuôi heo có tâm lý ngại tái đàn là điều rất dễ hiểu và ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân tại các nơi đang xảy ra bệnh DTHCP không nên tái đàn và tạm thời ngừng cho heo bố mẹ sinh sản. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung thịt heo và các loại thực phẩm tươi sống phục vụ thị trường, ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh để bảo vệ và phát triển đàn heo. Mặt khác, cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác có hiệu quả và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng đa dạng các loại thịt trong bữa ăn hằng ngày, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thịt heo.