Cây thanh long dần “thế chân” cây lúa

Thứ hai, 24 Tháng 6 2019 14:57 (GMT+7)
Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn là cách mà nông dân thực hiện để “đứng vững” trên diện tích đất của mình. Vì vậy, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dần “thay thế” cây lúa

Hiện nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng sản xuất nhằm mang lại hiệu quả, lợi nhuận ngày càng cao, đang được nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển nhân rộng. Trong đó, mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long đang cho thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Khải (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) có 0,5ha thanh long ruột đỏ trồng dưới chân ruộng lúa hơn 2 năm tuổi, đang cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây lúa. Nhìn những trụ thanh long ruột đỏ được trồng thẳng hàng, tán xum xuê cho đầy trái đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu, anh Khải chia sẻ: “Trước đây, vùng đất này chỉ độc canh cây lúa năng suất thấp. Qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây thanh long ruột đỏ, tôi nhận thấy loại cây này phù hợp thổ nhưỡng nơi đây nên mạnh dạn chuyển toàn bộ 0,5ha đất độc canh cây lúa năng suất thấp sang trồng thanh long ruột đỏ. Qua thời gian đầu cho thấy, cây thanh long trên vùng đất ruộng mới chuyển đổi phát triển tốt và cho trái rất nhiều”. 

Người dân dần chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long

Người dân dần chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long

Giống như anh Khải, anh Nguyễn Văn Phước (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) cũng khá lên nhờ cây thanh long. Anh Phước cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng 0,2ha đất lúa nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Đất ít nên buộc lòng phải học tập kinh nghiệm chuyển đổi sang trồng thanh long. Từ khi chuyển 0,2ha đất lúa sang trồng thanh long thì thu nhập của gia đình ổn định hơn. Hiện nay, phần lớn nông dân ở đây đều trồng thanh long. Bên cạnh đó, trái thanh long ruột đỏ có đầu ra ổn định nên người trồng thanh long bán trực tiếp tại cơ sở sản xuất dễ dàng và tiêu thụ với số lượng lớn. Hiệu quả bước đầu của cây thanh long ruột đỏ trồng trên vùng đất lúa cho sản lượng, thu nhập cao nên nhiều nông dân tại các địa phương trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long, hình thành vùng sản xuất tập trung để trái thanh long đem lại lợi nhuận kinh tế ngày càng cao cho nông dân”.

Mấy chục năm làm ruộng, ông Nguyễn Văn Chiến (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ) khẳng định: Cây lúa vùng này cho năng suất và thu nhập thấp. Hiện mỗi hécta lúa chỉ lãi 20-30 triệu đồng/năm. Nhiều năm trước, ở xóm tôi, các hộ dân đều trồng lúa nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Hiện hơn phân nửa hộ dân ở đây chuyển sang trồng thanh long và cây trồng khác. Gia đình tôi cũng đã chuyển sang trồng thanh long vài năm nay. Dù trồng thanh long chăm sóc cực hơn rất nhiều so với cây lúa nhưng lợi nhuận thì cao gấp nhiều lần. Với giá bán hiện nay, trung bình 1 năm, người trồng thanh long kiếm được hơn 100 triệu đồng/ha. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng thông tin: “Toàn huyện hiện có khoảng 965ha trồng thanh long. Để người dân chuyển đổi có hiệu quả, huyện đang xây dựng mô hình điểm trồng thanh long theo hướng VietGAP bằng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ tưới phun kết hợp tưới nhỏ giọt. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và tăng thu nhập”.

Thận trọng trong chuyển đổi

Trong mấy năm qua, cây thanh long mang lại lợi nhuận rất cao cho nông dân. Tuy nhiên, cách đây vài năm, nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh liên tiếp “lao đao” vì thị trường đầu ra và giá thanh long giảm thấp ở mức 1.000-2.000 đồng/kg. Thua lỗ, nhiều nông dân phá bỏ cây thanh long để chuyển sang trồng cây khác. Bên cạnh đó, để trồng 1ha thanh long, nông dân phải đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Với mức đầu tư khá lớn, nông dân cần thận trọng trong việc chuyển đổi cây trồng, tránh thiệt hại vì rơi vào tình trạng cung vượt cầu. 

Người dân dần chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên mở rộng trồng cây thanh long trên vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao. Từng địa phương đều quy hoạch vùng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến cáo nông dân khi trồng thanh long cần liên kết thành tổ hợp tác hoặc tham gia vào hợp tác xã để bảo đảm về đầu ra. Vì vấn đề đầu ra và giữ giá thanh long ổn định là nỗi lo lắng hiện nay của ngành chức năng. Để tháo gỡ khó khăn này, trước tiên phải tổ chức lại sản xuất hợp lý, khuyến cáo và hỗ trợ nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng chuyên canh thanh long để tìm đầu ra cho thanh long, nhất là xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,...

Hiện nay, thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu thị trường này gặp trở ngại thì người trồng sẽ khó khăn. Để trái thanh long “đủ tư cách” xâm nhập vào các thị trường mới, khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc,... người dân phải từng bước trồng thanh long theo hướng sạch, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây cũng là định hướng của tỉnh và quyết tâm thực hiện để giúp trái thanh long đứng vững trên thị trường, giúp người trồng thanh long có lời, an tâm sản xuất./.

Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế