Doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng khi tranh chấp thương mại xảy ra.
Tại Hội thảo "Quản trị rủi ro về rào cản thương mại và pháp lý ở các thị trường trọng điểm trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng" vừa mới diễn ra tại TP Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin: Từ năm 1993 đến quý I-2019 tổng số các vụ tranh tụng, xét xử thông qua VIAC đến từ Trung Quốc là 168 vụ, Hàn Quốc 97 vụ, Hoa Kỳ 58 vụ, Nhật Bản 23 vụ. Giá trị tranh chấp theo thị trường (từ năm 1993 đến 2018) do VIAC xử lý gồm: Hàn Quốc 2.278 tỉ đồng, với giá trị bình quân 2 tỉ đồng/vụ; Hoa Kỳ 366 tỉ đồng, giá trị bình quân 7,3 tỉ đồng/vụ. Riêng thị trường Trung Quốc có năm lên đến trên 20-30 vụ tranh chấp, với tổng giá trị tranh chấp 65.494 tỉ đồng.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nhận định: "Các con số nói trên vẫn chưa phản ảnh hết tổn thất vì nhiều doanh nghiệp còn tham gia tranh tụng tại kênh tòa án, trung tâm trọng tài các nước do doanh nghiệp đề xuất trong hợp đồng. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy, tranh chấp thương mại trong quá trình hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam là một vấn đề rất đáng quan tâm; giá trị tranh chấp có thể dẫn đến phá sản, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp". Theo bà Võ Thị Thu Hương, nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp thường là do vị trí địa lý xa làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin; năng lực thực hiện hợp đồng, khả năng thích ứng với hệ thống luật pháp, văn hóa doanh nghiệp của các nước còn kém; diễn biến phức tạp của rào cản bảo hộ thương mại gần đây...
Điều đáng chú ý là việc tranh chấp thông qua các hợp đồng thương mại với Trung Quốc thời gian qua rất lớn. Theo ông Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, cho biết: "Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đa phần việc mua bán giữa Việt Nam với quốc gia này thông qua đường biên mậu với đa dạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trái cây… Đồng thời, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt với hình thức thanh toán trước 30-50% giá trị hợp đồng. Cách làm này dẫn đến tình trạng khi thị trường biến động, thương nhân Trung Quốc sẵn sàng bỏ hàng. Số lượng còn lại 50-70% giá trị hợp đồng không nhận được dẫn đến phát sinh về tranh chấp trong thanh toán".
Một vấn đề khác cũng dẫn đến tranh chấp thương mại giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân Trung Quốc là hàng hóa (chủ yếu từ Trung Quốc vào Việt Nam) không đảm bảo chất lượng, chủ yếu rơi vào hàng hóa nguyên vật liệu trong may mặc, hóa chất trong sản xuất. Và Việt Nam thường trong vai trò nguyên đơn khiếu kiện họ về hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, với những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… thương nhân làm ăn rất bài bản, chính quy theo thông lệ quốc tế thường ít xảy ra tranh chấp. Một số trường hợp có rủi ro xảy ra thì phía Việt Nam thường là bị đơn nhiều hơn nguyên nhân do hàng hóa xuất sang không đảm bảo cam kết ban đầu.
Theo ông Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, để doanh nghiệp Việt vững tin trước những "va chạm", tranh chấp trong hoạt động giao thương thì phía Nhà nước và doanh nghiệp phải nhanh chóng bắt tay vào hành động. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ, hỗ trợ và tập huấn cho doanh nghiệp các thông tin về: Tạo dựng lợi thế trên bàn đàm phán; các điều khoản quan trọng trong hợp đồng; những điều doanh nghiệp lưu ý trước khi ký kết hợp đồng; điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng; lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả… Doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực tài chính, kỹ năng quản trị, công nghệ cao… để có thể đáp ứng yêu cầu từ đối tác. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thu hút các công nhân có tay nghề cao để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên doanh nghiệp Việt mới có thể hiểu rõ hơn về các thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam và chủ động phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh của mình.