Giá lúa giảm nhiều, lợi nhuận thấp

Thứ tư, 26 Tháng 6 2019 16:21 (GMT+7)
Năm nay, TP Cần Thơ có hơn 79.612ha lúa hè thu. Đến nay, nông dân ở nhiều địa phương đã thu hoạch lúa với năng suất tương đương so vụ hè thu năm 2018, nhưng giá lúa giảm mạnh, trong khi chi phí sản xuất tăng...

Thu hoạch lúa hè thu 2019 tại xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai,  cho biết: “Do không có điều kiện phơi, sấy trữ lúa lại chờ giá lên, nên hầu hết nông dân phải bán lúa tươi cho thương lái ngay sau thu hoạch với giá thấp. Hồi đầu vụ, lúa tươi IR50404 có giá 4.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng 700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng sau đó giá giảm dần và có nhiều hộ dân phải chấp nhận bán lúa với giá chỉ 3.900-4.200 đồng/kg. Vụ này, 5 công lúa IR50404 của tôi đạt năng suất bình quân 700kg lúa tươi/công, nhưng bán với giá chỉ 4.420 đồng kg, lại phải chở lúa về tận nơi để giao cho thương lái, tính ra mỗi công lúa tôi chỉ lời khoảng hơn 500.000 đồng. Riêng những hộ dân mướn đất sản xuất lúa trong vụ này đa phần đều bị lỗ”.  

Bà Nguyễn Thị Hạnh Nguyên ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai,  cho biết: “Do vụ này năng xuất lúa đạt thấp so với vụ đông xuân, bình quân chỉ khoảng 700-800 kg/công,  chi phí sản xuất đều tăng, giá lúa rẻ, nông dân rất khó kiếm lời. 2 công lúa của tôi thu hoạch đạt năng suất 800 kg/công và bán với giá 4.500 đồng/kg, trừ đi chi phí tính ra tôi chỉ còn lời gần 1 triệu đồng/công”.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, giá lúa trong vụ hè thu 2019 ở mức rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ như: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ… nhiều loại lúa tươi hạt dài (như: OM 5451, OM 4218) được nông dân bán cho thương lái chỉ với giá  4.400-4.700 đồng/kg, còn lúa tươi IR50404 đang có giá 3.900-4.300 đồng/kg. Mức giá này giảm hơn 200 đồng/kg so với  cách nay hơn 3 tuần và giảm  800-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ vụ hè thu năm trước. Giá lúa ở mức thấp do những tháng đầu năm xuất khẩu gặp khó so với cùng kỳ năm trước, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Lê Sơn Quân, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, 8 công lúa sạ giống OM 5451 của gia đình ông trong vụ này đạt năng suất tương tương vụ hè thu 2018, với khoảng 800 kg/công, nhưng giá bán lúa hiện chỉ ở mức 4.700 đồng/kg, năm rồi có giá tới 5.700 đồng/kg. Chỉ mới tính chênh lệch về giá lúa, thu nhập của ông trong vụ hè thu này đã giảm 800.000 đồng/công so với cùng kỳ năm trước, chưa kể giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao.

Theo nhiều nông dân trồng lúa, chi phí sản xuất lúa trong vụ hè thu 2019 ước tăng ít nhất khoảng 200.000-300.000 đồng/công so với vụ đông xuân  2018-2019 và vụ hè thu 2018. Giá thuê nhân công, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và một số chi phí sản xuất đầu vào khác đều tăng. Ngay từ đầu vụ sản xuất, tình hình nắng nóng kéo dài gây thiếu nước, nông dân phải thường xuyên dùng máy bơm nước vào ruộng...

Thực tế dù lợi nhuận từ cây lúa bị sụt giảm, nhưng nhiều nông dân vẫn quyết định tiếp tục gắn bó với cây lúa, bởi chưa có điều kiện để chuyển đổi sang các loại cây trồng vật nuôi khác đảm bảo có hiệu quả hơn. Do vậy, nông dân rất mong Nhà nước sớm có các giải pháp quyết liệt để tìm đầu ra tốt hơn cho hạt lúa; tăng cường kiểm tra đảm bảo chất lượng và giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, ngành chức năng hỗ trợ nông dân ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống dịch bệnh hại lúa và tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm.

Theo thống kê, đến giữa tháng 6-2019, nông dân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch được hơn 60% diện tích lúa hè thu, năng suất tương đương so cùng kỳ 2018. Vụ hè thu 2019, các giống lúa được nông dân sử dụng trong gieo sạ chủ yếu gồm:  OM 5451, IR50404, OM 4218, Jasmine 85, Đài thơm 8 và một số giống khác. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện nông dân Cần Thơ cũng đã xuống giống được 26.364ha lúa thu đông 2019, đạt 44% kế hoạch. Ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo các địa phương vận động và hướng dẫn bà con xuống giống tập trung đồng loạt theo từng cánh đồng và đảm bảo thời gian cách vụ (ít nhất 3 tuần lễ), an toàn dịch bệnh, cũng như chủ động phòng tránh lũ về sớm. Nông dân cần thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất, xử lý chế phẩm sinh học (nấm Trichoderma) giúp rơm rạ mau phân hủy để giảm ngộ độc hữu cơ, tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng trước khi xuống giống...

Bài, ảnh: Khánh Trung - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế