Hà Nội thiệt hại 1.000 tỉ đồng do dịch tả lợn, nhiều huyện hết ngân sách dự phòng

Thứ hai, 01 Tháng 7 2019 19:17 (GMT+7)
Tại Hà Nội, nhiều huyện như Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn... đến giữa tháng 6 đã hết ngân sách dự phòng trả cho hộ dân có lợn bị tiêu hủy.

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội về diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho thấy, kể từ ổ bệnh đầu tiên xuất hiện tại quận Long Biên được phát hiện ngày 24/2/2019, đến nay, bệnh dịch đã xảy ra ở 442 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã với hơn 24.300 hộ chăn nuôi (chiếm khoảng 30% số hộ, cơ sở chăn nuôi toàn thành phố).

Dịch tả lợn châu Phi làm mắc bệnh và buộc tiêu hủy trên 414.000 con lợn (chiếm 22,1% tổng đàn lợn thành phố), tổng trọng lượng trên 28.300 tấn. Một số huyện có số lợn bị bệnh phải tiêu hủy chiếm trên 50% tổng đàn; một số quận, huyện có tỷ lệ lợn mắc bệnh từ 60% đến 80% tổng đàn.

Tình hình bệnh dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đến nay, đã có 18 phường, xã thuộc 11 quận, huyện qua 30 ngày không phát sinh thêm bệnh dịch.

ha noi thiet hai 1.000 ti dong do dich ta lon, nhieu huyen het ngan sach du phong hinh anh 1

Tại Hà Nội, Dịch tả lợn châu Phi làm mắc bệnh và buộc tiêu hủy trên 414.000 con lợn (chiếm 22,1% tổng đàn lợn thành phố)

Ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi được Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị khác triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn TP, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là: 216 tấn; bổ sung 202 tấn hóa chất và 6.721 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao. 

Tuy nhiên, bệnh dịch chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nguy cơ còn diễn biến phức tạp, kéo dài, dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có chiều hướng xảy ra tại các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, các huyện có tổng đàn lợn lớn. Đồng thời, việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn còn bất cập. Việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường có thể gây phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác...

Nói về việc hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy, ông Chu Phú Mỹ cho biết: Theo quy định của Hà Nội, chậm nhất 7 ngày chính quyền phải hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy. Đến nay, thiệt hại do dịch ước tính 1.000 tỷ đồng, gồm chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch.

Đáng chú ý, ông Mỹ thông tin có nhiều huyện như Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn... đến giữa tháng 6 đã hết ngân sách dự phòng để chi trả. Theo đó, thành phố vừa cấp thêm cho 10 huyện hết kinh phí dự phòng để đảm bảo chi trả nhanh nhất cho người dân.

Được biết, số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội là trên 6.600 con. Trong nhiều ngày gần đây, số lợn phải tiêu hủy của toàn thành phố lên đến gần 10.000 con mỗi ngày.

Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,9 triệu con. Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện là hộ chăn nuôi lợn rừng, sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (Long Biên) ngày 24/2.

Trước đó, nhiều lãnh đạo huyện trên địa bàn Hà Nội "than thở" về việc chi trả, hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy. Ông Đỗ Huy Chiến- Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, địa phương đã chi khoảng 35 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi từ nguồn ngân sách dự phòng, sau khi nguồn dự phòn hết vẫn còn thiếu ít nhất 25 tỷ đồng. Một số huyện khác như Sóc Sơn, Đông Anh, Thạch Thất… nguồn kinh phí còn thiếu để ứng phó dịch tả lợn châu Phi cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Hoàng Thành - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế