Cơ hội cho nông sản Việt

Thứ tư, 03 Tháng 7 2019 09:11 (GMT+7)
Để tận dụng tốt cơ hội thì phải có sự thay đổi, đổi mới của doanh nghiệp, nông dân với sự hậu thuẫn của Nhà nước

Sáng 2-7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương và Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức hội thảo "CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt".

Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - có hiệu lực từ ngày 14-1-2019) thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.

Tiếp đến, ngày 30-6, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo ông Sùng, sự kiện này cùng với CPTPP đã tạo ra cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. "Và mệnh lệnh thị trường tự do sẽ thôi thúc chúng ta phải thay đổi và đổi mới" - ông Sùng nhấn mạnh.

Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam cùng nông dân phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học, ngân hàng và nhà phân phối; ưu tiên phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ. "Chỉ có như thế người nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn" - ông Sùng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận hội nhập là một lựa chọn không thể đảo ngược, nhất là khi Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định với các tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa; cũng như nâng cao giá trị gia tăng các ngành sản xuất nông nghiệp.

"Nói như vậy không có nghĩa chúng ta lạc quan hoàn toàn, vì ai cũng biết nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới. Châu Âu lại là thị trường rất khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao cho nông sản" - ông Trần Tuấn Anh lưu ý và cho rằng Chính phủ, DN và người nông dân cần tập trung giải quyết những rào cản để tận dụng được những lợi thế mà cả hai hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại.

Cơ hội cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Việc gia nhập các FTA đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản. Ảnh: NGỌC TRINH

Phải thay đổi tư duy kinh doanh

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed, đánh giá trong 11 quốc gia tham gia CPTPP, Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp ở mức thấp nhất. Nông nghiệp Việt Nam cũng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến thời tiết, biến đổi khí hậu.

Để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, theo ông Báo, có 3 vấn đề mà Việt Nam cần thay đổi. Một là thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp. Hai là chú trọng liên kết DN với DN, bên cạnh liên kết 4 nhà mà Chính phủ thường nhắc tới. Ba là thay đổi cơ chế chính sách theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch.

Ông Báo cũng cho rằng Chính phủ cần phối hợp với DN đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh.

Ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành có những mô hình, công nghệ chế biến mới để nông dân gắn kết với nhau vượt qua những khó khăn. "Ngoài ra, muốn hội nhập phải cho chúng tôi những thông tin về hội nhập và đừng bỏ rơi nông dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã nhỏ, siêu nhỏ" - ông Cường nói.

Ở góc nhìn quản lý, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng DN cần thay đổi tư duy kinh doanh. Theo bà Mai, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm tiếp theo.

CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan.

Chuyên gia kinh tế LÊ XUÂN NGHĨA:

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu

Một số giải pháp cấp thiết cho Chính phủ trong việc phát triển ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ CPTPP. Thứ nhất, cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản... Qua đó đa dạng hóa và hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế.

Thứ hai, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến DN. Cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam. Tăng cường trao đổi, liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học và DN để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.

Văn Duẩn - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế