Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về vụ Big C ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam

Thứ năm, 04 Tháng 7 2019 21:00 (GMT+7)
“Những gì doanh nghiệp FDI đã làm ở Việt Nam như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, chúng tôi hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng nêu quan điểm, vấn đề của Big C với 200 DN may mặc là việc của DN nhưng phải căn cứ trên hợp đồng và tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

thu truong do thang hai noi ve vu big c ngung nhap hang det may viet nam hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: P.V)

Xung quanh sự việc Big C ngưng nhập hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng 4/7, Bộ Công Thương đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu Big C tới làm việc.

"Tôi đã làm việc với Tổng Giám đốc và các lãnh đạo chủ chốt của Central Group Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan. Ở Việt Nam, Big C và Central Group Việt Nam đang tạo việc làm trực tiếp cho 17.000 lao động và tạo việc làm gián tiếp cho hàng chục nghìn lao động khác tham gia vận hành hệ thống của họ. Bản thân Central Group hàng năm cũng đóng góp vào NSNN 1.000 tỷ đồng, riêng Big C là 500 tỷ đồng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay. 

Theo ông Hải, hệ thống siêu thị Big C cũng tham gia làm nhiều chương trình quy mô rất lớn tại Việt Nam và cũng phối hợp với Bộ Công Thương làm những chương trình quảng cáo hàng Việt tại Thái Lan.

Tại buổi họp sáng 4/7, đại diện Central Group cho hay, tập đoàn đang có chiến lược mới trong hàng may mặc và đang thiết lập lại các mô-đun tại các siêu thị nên có tình trạng ngừng mua hàng từ các doanh nghiệp. Theo báo cáo, Big C sẽ tạm dừng mua hàng trong 15 ngày và có thể kéo dài hơn. Các đơn hàng đã ký vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện.

Đến na,y có gần 4.000 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng hoá cho các hệ thống của Big C, trong đó có 200 nhà cung cấp chuyển cung cấp mặt hàng dệt may.

“Những gì DN FDI đã làm ở Việt Nam như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, chúng tôi hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng nêu quan điểm, vấn đề của BigC với 200 DN may mặc là việc của DN nhưng phải căn cứ trên hợp đồng và tuân thủ các quy định khác của luật pháp Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi, một mặt hoan nghênh, tạo điều kiện cho các DN FDI nhưng một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các DN và người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, sau cuộc họp, Big C cam kết mở đơn hàng cho 50 trong số 200 DN may mặc của Việt Nam trong hôm nay và trong 2 tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp khác. Như vậy sẽ có 150 nhà cung cấp sẽ tiếp tục cung cấp hàng cho Big C. Còn 50 nhà cung cấp khác Big C sẽ làm việc kỹ hơn để đảm bảo yêu cầu về việc cấp hàng.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ tiếp tục phối với Big C và các DN dệt may để đảm bảo quyền lợi của các DN FDI cũng như các DN dệt may trong nước.

Tại cuộc họp sáng nay cũng có Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm và hai bên cũng ký thỏa thuận sẽ làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến các thỏa thuận của các DN.

Hoàng Nhật - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế