Chuyển biến tích cực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng 7,05% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, đạt 8,93%, đóng góp 51,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,69%, đóng góp 42,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình thời tiết bất lợi và khó khăn trong ngành chăn nuôi heo do bệnh dịch tả heo châu Phi, tăng trưởng toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 6-2019 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát. Tín dụng tăng trưởng tốt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dự trữ ngoại hối được nâng lên. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh, vị thế, tầm vóc của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán.
Theo Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của nền kinh tế nước ta cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát... Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Kinh tế nước ta được dự báo còn đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro từ kinh tế thế giới, đặc biệt là việc các nước gia tăng bảo hộ mậu dịch và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ có tác động không nhỏ đến tăng trưởng xuất nhập khẩu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước. Áp lực lạm phát còn hiện hữu. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA cũng là “điểm nghẽn”. Để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần nỗ lực phát huy nội lực để chủ động vượt khó và nắm bắt tốt các cơ hội trong sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tới đây cần tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của ngành thủy sản gắn với ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu và nỗ lực phòng chống dịch tả heo châu Phi, chuẩn bị sẵn các điều kiện để nhanh chóng tái đàn, phục hồi, ổn định sản xuất. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng, cần tập trung phát huy dư địa động lực đối với các dự án lớn đã và mới đi vào hoạt động như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy ô tô VinFast... đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng tới 73,4% tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm. Các ngành dịch vụ cũng còn nhiều dư địa phát triển, nhất là dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, dịch vụ tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc phát triển các dịch vụ mới kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch bền vững, có chất lượng, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước có thể giúp khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao.
Quan tâm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển thị trường trong nước cũng là việc rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cần kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các nước có thị trường lớn; cần có giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và ASEAN... Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, gần đây tất cả các thị trường mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do đều có tăng trưởng tích cực về xuất khẩu, kể cả Nga, Nhật hay các thị trường mới của CPTPP như: Canada tăng 34%, Chile và Mexico cũng tăng tưởng ở mức rất cao, 2 con số. Chúng ta còn cơ hội lớn để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là những ngành hàng lớn như dệt may, da giày… để đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu, cũng như tăng GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp cả nước trong 6 tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng 2,39%, đây là cố gắng rất lớn của toàn ngành, nhất các địa phương. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 20 tỉ USD, tăng 2,2% so cùng kỳ năm trước cũng là cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn và “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ kịp thời. Đó là dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, giá cả và đầu ra nhiều loại nông sản rất thấp, cần đẩy mạnh thương mại, khắc phục và khai thác tốt các thị trường tiêu thụ…Trong đó, việc khống bệnh dịch để bảo vệ đàn heo là rất quan trọng bởi con heo đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp, hiện đã có 2,8 triệu con heo bị thiệt hại do bệnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng tình hình. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, từng bộ ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,6-6,8% trong năm 2019...