Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2019 với lợi nhuận 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng bất chấp lợi nhuận quý II đi lùi so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán đầu tư kéo lùi lợi nhuận quý II/2019 so với cùng kỳ.
Xét về doanh thu, quý II/2019, KLB ghi nhận thu nhập lãi thuần trên 314 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Lãi từ hoạt động dịch vụ mang về cho KLB gần 18 tỷ đồng, tăng trưởng 42%, trong khi đó lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận lãi kỷ lục gần 15 tỷ đồng, tăng tới 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi từ hoạt động khác tăng gấp 3 lên 10 tỷ đồng từ mức 3 tỷ của cùng năm 2018. Trong kỳ, KLB ghi nhận khoản thu nhập 835 triệu đồng từ góp vốn và mua cổ phần (công ty CPĐT xây dựng Hồng Phát và CTCP Sài Gòn – Rạch Giá).
Tuy nhiên, trong kỳ KLB ghi nhận khoản sụt giảm mạnh từ hoạt động chứng khoán đầu tư từ mức 33 tỷ của cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 6,8 tỷ của quý II/2019. Chi phí hoạt động không biến động nhiều, tăng 24% so với cùng kỳ trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng 31%.
Cộng hưởng các diễn biến trên, lợi nhuận quý II trước và sau thuế của KLB lần lượt “bốc hơi” 5% và 4% so với kết quả thực hiện của cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của KLB (triệu đồng)
Nhờ con số lợi nhuận ròng của quý I/2019, lũy kế 6 tháng đầu năm, KLB vẫn đạt gần 119 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu thuần đạt hơn 585 tỷ đồng, tăng 27%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt hơn 16 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Hầu hết là lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay của LKB.
Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19%, đạt hơn 30 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác cao gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, thu từ bán tài sản gán nợ, lãi từ thanh lý tài sản cổ định tăng 10 lần và thu nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro tăng gần 2 lần so với nửa đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư trong 6 tháng giảm 91%, chỉ còn gần 7 tỷ đồng.
Mặt khác, chi phí hoạt động của KLB tăng 19%, ghi nhận hơn 481 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 25%, ghi nhận hơn 24 tỷ đồng.
Như vậy với con số lợi nhuận 119 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm, KLB thực hiện được 49% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thu nhập nhân viên "dẫm chân tại chỗ"
Tại thời điểm 30/06/2019, tổng tài sản của KLB đạt hơn 47.670 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm chủ yếu là do KLB tăng hơn 276 tỷ đồng tiền gửi tại NHNN và tăng gần 3.411 tỷ đồng tiền gửi tại các TCTD và cho vay các TCTD khác.
Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, đạt hơn 31.037 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS chiếm trên 12%. Khoản dự phòng cho vay khách hàng chiếm hơn 276 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm.
Về các nguồn vốn huy động, KLB ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt gần 30.759 tỷ đồng, tăng 5%, và tiền gửi và vay của các TCTD khác tăng 45% so với đầu năm, đạt hơn 11.569 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, đạt 600 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của KLB (triệu đồng)
Bên cạnh đó, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành giảm 7% so với đầu năm, còn gần 142 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng nhẹ 1%, chiếm hơn 94 tỷ đồng.
So với hồi đầu năm, tổng nợ xấu cuối quý II/2019 của KLB tăng mạnh 28%, lên hơn 356 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ cao gấp 3 lần so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên xấp xỉ 1,15%.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất của KLB, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này không thay đổi sau 1 năm, trung bình 14 triệu đồng/người/tháng.