Thị trường thép không gỉ cán nguội: Posco VST 'bảo vệ mình'... !?

Thứ ba, 16 Tháng 7 2019 06:37 (GMT+7)
Đã có những lý lẽ, quan điểm cho rằng đó là hành động “bảo vệ mình”, sau khi hồ sơ do Posco VST nộp ngày 6/5/2013 để khởi kiện “chống lại hành vi bán phá giá” thép không gỉ cán nguội tại thị trường Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng công cụ thương mại quốc tế. Theo đó, Cục Quản lý Cạnh tranh đã kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay biện pháp vừa nêu dù chỉ được áp dụng “tạm thời trong vòng 120 ngày” (tức 4 tháng) nhưng vẫn chưa được dỡ bỏ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển thị trường của loại sản phẩm này - TKGCN - với thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa.

Từ bảo hộ đến tạo ra cạnh tranh bất công bằng?

Tại thời điểm gần giữa năm 2013, Posco VST cùng một doanh nghiệp khác chiếm lĩnh trên 81% thị phần so với hàng chục nhà sản xuất nội địa còn lại. Tuy nhiên, dù chiếm thị phần lớn nhưng xét về năng lực, cả Posco VST và doanh nghiệp kia đều tồn tại nhiều hạn chế, không thể cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng cao cho thị trường; không chỉ vậy, hai doanh nghiệp được bảo hộ vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu cán nóng (HR).

Tháng 9/2014, Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Thép không gỉ cán nguội (TKGCN), ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 mm nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người tiêu dùng trong nước sử dụng TKGCN hoàn toàn bị phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ hai doanh nghiệp này.

Khi biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm TKGCN nhập khẩu được thực thi, Posco VST với lợi thế là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lại được các công ty “anh em” thuộc Tập đoàn Posco từ cố quốc cung cấp gần như 100% nguyên liệu sản xuất. Do đó, họ nghiễm nhiên thủ đắc lợi thế thượng phong, chi phối và dẫn dắt toàn bộ thị trường TKGCN Việt Nam. Bên cạnh đó, “liên danh” khởi kiện chống bán phá giá với nhà máy được khởi công xây dựng từ năm 2011 vừa chính thức đi vào hoạt động tháng 09/2013, công suất 125.000 tấn/năm từ nguồn nguyên liệu thị trường, vẫn chỉ đóng vai trò khá mờ nhạt...

Không chỉ vậy, khi Bộ Công thương dựng lên “rào cản thương mại” kể trên, vô hình trung đã giúp cho Posco VST “mọc thêm cánh”. Nếu nhìn lại 4 năm đầu hoạt động “không giấu lỗ” hàng ngàn tỷ đồng (tuần tự là, 2009 lỗ 126,76 tỷ đồng; 2010 lỗ 138,83 tỷ đồng; 2011 lỗ 201,96 tỷ đồng; 2012 lỗ 583,82 tỷ đồng) và động thái đầu tư cấp tập vào nhà máy sản xuất của Posco VST tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) - người ta không khỏi suy nghĩ, đó phải chăng là “mảnh ghép hoàn hảo” đã được họ nhắm đến sau khi thực hiện các toan tính chiến lược phát triển của mình tại Việt Nam.

Cũng cần sòng phẳng, minh bạch đặt lại vấn đề về khoản “lỗ không giấu” của Posco VST - lỗ do đâu, do sản xuất, kinh doanh hay đầu tư?

Hãy cùng tham khảo số liệu đã được Posco VST công khai trong một báo cáo gửi Bộ Tài chính vào năm 2011. Theo đó, Posco VST cho biết, năm 2009 đã sản xuất được 77.000 tấn thép, đạt doanh thu 200 triệu USD. Posco VST cũng dự kiến, khi nhà máy thứ hai đi vào hoạt động (đã hoạt động từ tháng 3/2012 với công suất cả 2 nhà máy đạt 235.000 tấn/năm - PV), sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thép không gỉ của Việt Nam, doanh thu năm 2014 dự kiến đạt 529 triệu USD.

Như vậy, từ năm 2011, Posco VST đã có đích nhắm “dự kiến doanh thu năm 2014 đạt 529 triệu USD” nhưng lý lẽ nào cho động thái vào tháng 5/2013 Posco VST đệ trình “hồ sơ khởi kiện chống bán phá giá” lên Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương)? Ngay cả số liệu được Cục Thuế Đồng Nai xác nhận, lũy kế trong 4 năm qua, Posco VST đã lỗ tổng cộng 1.067 tỷ đồng. Trong khi khoản thuế mà công ty này nộp cho Cục Thuế tổng cộng chỉ trên 49,639 tỷ đồng… cũng chưa thể hiện rõ bản chất của vấn đề.

 

Nhãn tiền... bất công bằng

Thực tế thị trường TKGCN 5 năm qua cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng TKGCN phục vụ cho sản xuất, kinh doanh luôn phải chịu bất lợi. Với các doanh nghiệp này, họ rơi vào thế “cam chịu” vì phải mua các sản phẩm TKGCN từ Posco VST; bởi họ không có lựa chọn thứ hai cho các sản phẩm thép không gỉ khổ lớn chỉ vì tại Việt Nam, Posco VST là nhà cung cấp duy nhất. Các nhà cung cấp nội địa chỉ sản xuất thép cuốn khổ dưới 60 cm.

Với lợi thế tuyệt đối, Posco VST mặc nhiên trở thành “người dẫn dắt” thị trường TKGCN theo ý muốn của mình. Các nhà sản xuất trong nước không có sự lựa chọn khác, không được quyền đàm phán về giá và bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp Posco VST.

Chủ của một doanh nghiệp chuyên gia công các tấm inox khổ lớn phải nhập nguyên liệu trực tiếp từ Posco VST cho biết, với ngành gia công inox, nếu Posco VST chỉ tăng giá khoảng 50USD/1 tấn thì chúng tôi phải điêu đứng rồi. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thép không gỉ nên khi có biến động nhẹ cũng làm chi phí đội lên rất nhiều. Lãi đã thấp, đối mặt với rủi ro cao, nếu chúng tôi muốn tăng giá sản phẩm của mình thì sẽ mất thị trường ngay lập tức.

“Hiện giá nguyên liệu đã chiếm tới 70-80% tỉ trọng giá sản xuất sản phẩm inox. Cộng thêm chi phí quản lý, bán hàng, nhân công, điện, nước… đều tăng thì biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng mỏng đi. Chi phí sản xuất không tăng tương ứng với giá bán thành phẩm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau. Cuối cùng, để tranh giành thị phần thì buộc phải hạ giá bán dẫn đến biên lợi nhuận của ngành inox rất thấp. Điều này là không tốt và không thể xây dựng một thị trường bền vững, lành mạnh được”, vị chủ doanh nghiệp thổ lộ.

Một chủ đại lý bồn nước phân phối nhiều loại bồn Inox của các hãng khác nhau cho biết, vài năm trở lại, độ bền của bồn chứa nước bằng inox không được như trước. Không biết do lỗi của nhà sản xuất, do chất lượng thép hay do nguồn nước nhưng đại lý ghi nhận nhiều thông tin phản hồi tiêu cực từ khách hàng, họ bày tỏ sự bức xúc vì bồn nước mới sử dụng đã bị rò rịn nước, han gỉ nghiêm trọng. Nhiều bồn nước của các hãng bị trả lại để bảo hành khá nhiều.

Khi đại lý trao đổi lại với các nhà sản xuất, họ cho biết các sản phẩm đã có nhiều cải tiến về công nghệ nhưng chất lượng thép có vấn đề nên rất khó để cải thiện được. TKGCN là nguyên liệu cơ bản để phục vụ hàng chục ngành sản xuất quan trọng. Sau khi hàng rào thuế quan được dựng lên, thay vì mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất inox thành phẩm tại Việt Nam đành chấp nhận thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài, hoặc đẩy giá sản phẩm lên.

Ghi nhận tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc áp thuế chống bán phá giá TKGCN thực chất là bảo hộ cho Posco VST. Doanh nghiệp này được hưởng lợi để gặt hái những lợi ích to lớn từ chính những khách hàng, những người Việt Nam vì Posco VST đã nắm trong tay gần hết thị trường.

* Kỳ sau: Bao giờ cho đến công bằng?

Nhóm PV Kinh Tế - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế