Thị trường thép không gỉ cán nguội: Bao giờ cho đến... công bằng (!?)

Thứ năm, 18 Tháng 7 2019 14:10 (GMT+7)
Thực tế, thị trường Thép không gỉ cán nguội ngày càng cách xa với chủ trương "cạnh tranh lành mạnh" khi mọi chuyển động về giá cả đều nằm gọn trong tay Posco VST.

Hơn 5 năm sau “ca” phòng vệ thương mại đầu tiên (tháng 12/2013) của Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cạnh tranh kinh doanh bất đối xứng giữa một bên là liên danh Posco VST cùng một doanh nghiệp khác - thực chất là Posco VST - với bên còn lại là hơn 50 doanh nghiệp nội địa có cùng sản phẩm TKGCN, thực tế thị trường ngày càng xa cách với chủ trương “cạnh tranh lành mạnh”.

Ảnh minh họa.

Vào thời điểm hiện tại, trong “bão tố” thương mại Mỹ - Trung, biện pháp tăng thuế của Chính phủ Mỹ “đánh” vào hàng ngàn mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể “diện mạo” nền kinh tế “thứ hai thế giới”… Và không chỉ vậy, “hơi nóng” từ nghi vấn thép cán nóng có xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng được cảm nhận rõ rệt… 

Nội địa không bình yên

Nhờ “phán quyết” của Bộ Công thương, hồi cuối năm 2013 “áp thuế chống phá giá từ 9,55% đến 37,29% đối với TKGCN nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia”, Posco VST “phất” nhanh chóng, “làm chủ” thị trường TKGCN vì không còn đối thủ nào cạnh tranh nổi, và mọi chuyển động về giá cả đều nằm gọn trong tay Posco VST.

Giữa năm 2019, giá TKGCN tại nội địa là khoảng 2.100 USD/tấn - đây là mức giá cao so với các thị trường trong khu vực. Sản phẩm TKGCN khổ lớn chỉ duy nhất do Posco VST sản xuất, do vậy, họ chiếm lĩnh trọn vẹn thị trường. Sản phẩm TKGCN khổ nhỏ có vài doanh nghiệp sản xuất với công nghệ cũ, máy móc lạc hậu, lỗi thời, sản phẩm làm ra giá quá cao so với thép không gỉ thế giới, chất lượng tồn tại nhiều vấn đề.

Ngoài ra, mức chênh lệch từ 200-300 USD/tấn giữa giá thép cán nóng và cán nguội cũng trở thành áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bởi giá thành sản phẩm bán ra thị trường không tăng nhưng giá nguyên vật liệu liên tục tăng, làm triệt tiêu tính cạnh trạnh của sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước và thất thủ trước các sản phẩm nhập khẩu.

Một khách hàng trực tiếp của Posco VST chuyên nhập các tấm inox khổ lớn để gia công cho biết: Với ngành gia công inox, nếu Posco VST chỉ tăng giá 50USD/tấn thì cũng khiến chúng tôi điêu đứng rồi. Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thép không gỉ nên có biến động nhẹ cũng làm đội chi phí lên rất nhiều. Lãi thấp, lại đối mặt với rủi ro cao khiến chúng tôi mất thị trường, nếu mình “đu theo” tăng giá.

“Hiện giá nguyên liệu đã chiếm tới 70-80% tỉ trọng giá sản xuất sản phẩm inox. “Cõng” thêm chi phí quản lý, bán hàng, nhân công, điện, nước… tăng thì lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng mỏng. Chi phí sản xuất không tăng tương ứng với giá thương phẩm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau. Cuối cùng, để tranh giành thị phần thì buộc phải hạ giá bán khiến lợi nhuận của ngành inox rất thấp. Điều này là không tốt và không thể xây dựng một thị trường bền vững, lành mạnh được”, chủ doanh nghiệp gia công inox khổ lớn trần tình.

Chủ đại lý bồn nước ở Hà Nội cho hay, vài năm gần đây, độ bền của bồn chứa nước bằng inox không được như trước. Lỗi do đâu, nhà sản xuất, do chất lượng thép hay do nguồn nước… thì chưa khẳng định. Nhưng, đại lý ghi nhận được nhiều phản hồi tiêu cực từ khách hàng bày tỏ sự bức xúc vì bồn nước mới sử dụng đã có hiện tượng rò nước, han gỉ nghiêm trọng. Do vậy, sản phẩm của các hãng phải đem về bảo hành khá nhiều. Các nhà sản xuất, họ cho biết sản phẩm bồn nước đã có nhiều cải tiến về công nghệ nhưng chất lượng thép “có vấn đề” nên rất khó để cải thiện được.

Sản phẩm TKGCN - inox - là nguyên liệu cơ bản của nhiều ngành sản xuất quan trọng ở nội địa. Sau khi hàng rào thuế quan được dựng lên, thay vì mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường thì phần lớn các doanh nghiệp sản xuất inox thành phẩm trong nước đã phải thu hẹp sản xuất, phải “nhường” thị phần cho hàng thành phẩm nước ngoài khi không thể đẩy giá sản phẩm lên được.

Xuất khẩu cũng gặp... “bão”

Tuy không phải “đối tượng” trực tiếp nhưng đầu tháng 7 này, trong “tâm chấn” cuộc thương chiến Mỹ - Trung, bỗng đâu sản phẩm thép Việt Nam, trong đó có thép không gỉ và inox, nhập khẩu vào Mỹ bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ “thổi còi” do nghi vấn xuất xứ. Mức thuế suất 456,26% sẽ bị Mỹ áp đặt, nếu xuất xứ (C/O) không đúng thực chất "Made in Vietnam".

Ngày 9/7/2019, đích thân Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã khẩn trương triệu tập và chủ trì một cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng trực thuộc có liên quan để đối phó với những cảnh báo từ Mỹ. Thép là 1 trong 8 mặt hàng của Việt Nam được Bộ Công thương đang khẩn trương tự rà soát và tự chấn chỉnh trước khi barie thuế quan của Mỹ hạ xuống.

Điểm danh các “anh tài” sản xuất thép trong nước trong 10 năm gần đây thì số ứng viên có năng lực xuất khẩu mặt hàng được xứ cờ hoa ưu đãi thuế quan là không nhiều, sản lượng cũng chưa thể gọi là quá lớn; tuy nhiên, số lượng thép không gỉ và inox “Made in Vietnam” nhập vào Mỹ có dấu hiệu tăng đột biến trong vài năm gần đây.

Xấp xỉ cả trăm doanh nghiệp thuộc Hiệp Hội thép Việt Nam đều “biết tài nhau” như thế nào trong sản xuất và cạnh tranh thời gian qua, khi các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những ai và hoạt động như thế nào? Còn các “đại gia” trong nước có tài “vẫy vùng” đến đâu trong hàng chục năm qua, thì cuộc “sát hạch” gián tiếp của Bộ Thương mại Mỹ lần này cũng sẽ “vỡ ra” vài điều thú vị. Và điều đó sẽ giúp làm sáng tỏ việc áp đặt thuế suất chống bán phá giá của Cục phòng vệ Thương mại cuối năm 2013 và điều tiết thị trường bất đối xứng của Bộ Công Thương trong thời gian hơn 5 năm qua.

Nhóm PV Kinh tế - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế