Ngày 18-7, tại TP HCM, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM tổ chức hội nghị Hợp tác và đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của 12 doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản, 30 DN của Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm.
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP, cho biết hiện nay nhu cầu hợp tác của DN Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. "Thời gian qua, các DN Việt Nam – Nhật Bản đã xây dựng được mô hình trồng dưa lưới hữu cơ, sản xuất phân bón vi sinh, thử nghiệm giống cây trồng,… mang lại hiệu quả bước đầu"- ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP, Nhật Bản là quốc gia có nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, đứng đầu trên thế giới về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp các lĩnh vực như: tự động hóa, công nghệ sinh học, giống cây trồng, nông nghiệp thông minh.
"TP HCM và Nhật Bản có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như: thử nghiệm các giống rau quả mới, các giống nấm ăn và dược liệu; công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch; công nghệ về nuôi trồng thủy sản" – ông Thiện gợi ý.
Tại hội nghị, GS-TS Kazuo Watanabe (Đại học Tsukuba Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ và nguồn gen để thúc đẩy sản xuất thực vật và động vật tại Nhật Bản. Theo GS.TS Kazuo Watanabe, các nhà khoa học luôn muốn sử dụng các công nghệ hiện đại nhất nhưng thực tiễn công nghệ mới nhất không phải là công cụ hữu ích nhất do liên quan đến nhiều vấn đề như khung pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, sự chấp nhận của người tiêu dùng cũng như khả năng làm chủ công nghệ của nông dân.
Máy canh tác 3 trong 1: sạ giống, phun thuốc và rải phân của Công ty Maruyama (Nhật Bản) - Ảnh: TRẦN CHUNG
Cũng liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất Giống ứng dụng Công nghệ cao Hưng Thịnh - một thành viên liên doanh với Tập đoàn Lộc Trời vừa trình diễn 2 thiết bị canh tác nông nghiệp công nghệ cao vùng nguyên liệu liên kết với nông dân ở tỉnh Long An.
Hai thiết bị canh tác nông nghiệp công nghệ cao tham gia buổi trình diễn lần này gồm: máy canh tác 3 trong 1: sạ giống, phun thuốc và rải phân của Công ty Maruyama (Nhật Bản) và thiết bị bay phun thuốc điều khiển từ xa của Công ty Agras (Mỹ).
Thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời cho biết thiết bị của Nhật vốn chỉ có 1 chức năng phun thuốc tự động, sau khi nhận được phản hồi của nông dân Việt Nam trong lần thử nghiệm trước đã cải tiến thành 3 trong 1 để phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam. Hai thiết bị này thể hiện rõ tính ưu việt trong việc canh tác trên diện tích lớn, đồng bộ, giảm thiểu nhân công, sức người và đạt hiệu quả cao hơn so với các phương thức cũ. Nhiều nông dân tham gia đã rất ngạc nhiên với những thiết bị mới này.
Các thiết bị này sẽ được dùng phục vụ nông dân trong vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời.
Nông dân tỉnh Long An theo dõi trình diễn phun thuốc bằng máy bay không người lái công nghệ Mỹ- Ảnh: TRẦN CHUNG
Ông Nguyễn Chí Thiện – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đánh giá việc đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như: máy canh tác 3 trong 1 (sạ giống, phun thuốc và rải phân) và máy bay phun thuốc không người lái góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn cùng như nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.