Câu chuyện làm thế nào để tận dụng cơ hội từ truyền thông kỹ thuật số và giảm thiểu rủi ro, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN) trước khủng hoảng truyền thông mạng xã hội đã được các diễn giả là lãnh đạo các cơ quan báo chí, DN… bàn luận sôi nổi tại hội thảo Truyền thông và thương hiệu DN thời đại số do Báo Tiền Phong tổ chức ở TP HCM sáng 23-7.
Khủng hoảng "đè bẹp" DN
Đưa ra số liệu số người sử dụng internet trên thế giới và tại Việt Nam chiếm trên 50% tổng số dân và gần như tất cả người dùng internet đều tham gia mạng xã hội, ông Nguyễn Hải Triều, Tổng Giám đốc YouNet Media, cho hay từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đến nay, mọi vấn đề đều trở nên rất nhạy cảm, việc bảo vệ thương hiệu trở nên khó khăn hơn và rủi ro tổn hại thương hiệu tăng lên. Theo ông Triều, trong vòng 12 năm, từ năm 2005 đến 2017, số lượng khủng hoảng xã hội đã tăng gấp 25 lần. Trong đó, truyền thông mạng xã hội là kênh khuếch đại, lan truyền nội dung từ báo chí, gây ảnh hưởng và có thể thay đổi nhận thức của công chúng đối với một số chủ đề nhất định. Mạng xã hội và người có ảnh hưởng vừa là thách thức vừa là cơ hội với truyền thông thương hiệu và quản trị danh tiếng DN. Do đó, cách tốt nhất để tránh được sự ảnh hưởng là phòng ngừa bởi một khi khủng hoảng xảy ra, để giải quyết dứt điểm là không thể và sẽ luôn để lại hậu quả.
Nhiều đại diện cơ quan báo chí, doanh nghiệp… quan tâm đến vấn đề truyền thông trong thời đại số Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng cho rằng các DN đều ám ảnh việc xử lý khủng hoảng, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nêu thực tế DN mất nhiều năm xây dựng thương hiệu nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản chỉ trong thời gian ngắn. "Việc phát triển truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra dòng thác thông tin với nhiều cơ hội, khiến chúng ta nắm bắt nhiều thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn nhưng vẫn có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đã tạo ra thách thức cho nhiều DN. Bên cạnh đó, một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến DN" - ông Sơn nói. TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cũng cho biết việc thông tin sai lệch, tin giả (Fake news)… có thể gây tổn thương, thậm chí hủy hoại, "xóa sổ" thương hiệu của DN.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thừa nhận tình trạng nhiễu loạn thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã đặt ra cho các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên mạng xã hội trách nhiệm xử lý tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thực tế cho thấy nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng đã đăng tải trên báo chí không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN - "nạn nhân" của tin đồn.
Cần sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông
Theo ông Lợi, để tránh thông tin không chính xác, DN cần minh bạch hóa thông tin đồng thời sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông. Về phía nhà báo, cơ quan báo chí cần quan sát một cách toàn diện. Khi đưa tin về bất kỳ lĩnh vực nào, nhà báo đều phải chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, không tưởng tượng chủ quan và giữ bí mật nguồn tin; không phát tán tin đồn và kiên trì nguyên tắc kiểm chứng.
Đồng tình với quan điểm này, các diễn giả đề xuất báo chí và DN nên coi nhau như những người bạn đồng hành để cùng phát triển. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân khẳng định đối với báo chí thì việc thông tin nhanh - hay - chính xác là rất cần thiết và đó là tiêu chí hết sức quan trọng của nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, báo chí cần có thêm 2 tiêu chí: trách nhiệm và nhân văn. Thực tế cho thấy DN - doanh nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, báo chí - truyền thông và các DN - doanh nhân không phải là đối thủ mà nên là những người bạn đồng hành trên con đường đi tới tương lai. "Báo chí - truyền thông và DN - doanh nhân cần tăng cường chia sẻ, trao đổi để hiểu nhau nhiều hơn. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển; cùng đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước" - ông Tuân nói.
"Nói" phải đi đôi với "làm"
Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo QTKD BizUni, chỉ ra rằng trên mạng xã hội, tin xấu thường lan truyền nhanh hơn tin tốt. Trong thời đại kỹ thuật số, xây dựng thương hiệu là cả chiến lược thông tin về sản phẩm, dịch vụ và tương tác với khách hàng. Nếu sản phẩm, dịch vụ không đúng với cam kết hay không mang lại lợi ích thiết thực thì sẽ bị người tiêu dùng đánh giá tiêu cực; những đánh giá này rất dễ được lan truyền rộng rãi, nhanh chóng.