Đại diện G-Capital và Gapo ký kết
Ông Phùng Anh Tuấn và sợi dây liên kết giữa Gapo và G - Group
Ngày 23/7, mạng xã hội Gapo do Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo phát triển chính thức ra mắt với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng đến năm 2021. Tại buổi lễ ra mắt, G-Group đã cam kết đầu tư 500 tỷ đồng của mạng xã hội Gapo
Theo tìm hiểu của PV tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn G (G-Group) chiếm 35%; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên, Tổng giám đốc Gapo chiếm 30%.
Ngành nghề kinh doanh chính theo giấy phép đăng kí của Công ty Cổ phần công nghệ Gapo là xuất bản phần mềm, người đại diện pháp luật là ông Hà Trung Kiên. Ông Hà Trung Kiên, đồng sáng lập và CEO Gapo hiện đang giữ chức vụ Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Thanh toán G (GPay) của G-Group.
Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT G-Group. (Ảnh: Internet)
Về phía G-Group, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty CP Tập đoàn GPLAY, thành lập ngày 8/1/2016, hoạt động chính trong mảng sản xuất đồ chơi, trò chơi. Trụ sở nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.
Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 30 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Phùng Anh Tú (sinh năm 1988). Trong khi đó, ông Phùng Anh Tuấn - anh trai ông Phùng Anh Tú, là một trong số các cổ đông sáng lập G-Group, nắm giữ tỷ lệ cổ phần 87%.
Tuy nhiên, sau đó, khi vốn điều lệ của G-Group tăng lên 60 tỷ đồng, ông Phùng Anh Tuấn đã không còn nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp, song vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Hiện tại, ông Tuấn cũng là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của F88, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ ở Việt Nam.
Còn hệ sinh thái của G-Group hiện cũng có 8 thương hiệu ở các lĩnh vực dịch vụ công nghệ, tài chính tiêu dùng, bao gồm: F88, Tima, G-pay, Ginnovations, BEATVN, VSEC, G-Capital và GameTV.
Chân dung doanh nhân điều hành chuỗi cửa hàng cầm đồ F88
Trên các phương tiện truyền thông, ông Phùng Anh Tuấn được biết tới vai trò người điều hành F88, chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam.
Công ty CP Kinh doanh F88 thành lập ngày 30/6/2016, trụ sở tại Phòng 206, tầng M, tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.
Vốn điều lệ doanh nghiệp hiện đạt 211,2 tỷ đồng. Cuối năm 2017, cổ đông lớn nhất F88 là Công ty CP Đầu tư F88 (nắm 99% vốn) – đây là công ty có vốn điều lệ gần 57,4 tỷ đồng, trong đó một cá nhân góp vốn là James Allan Barron (1,587%) – được giới thiệu là chuyên gia cố vấn cao cấp, cựu CEO của Tập đoàn First Cash sở hữu 2.000 phòng giao dịch cầm đồ tại Mỹ và châu Mỹ La tinh phụ trách tư vấn chiến lược kinh doanh, xây dựng các gói sản phẩm, qui trình dịch vụ tối ưu cho khách hàng.
Hiện tại, ông Phùng Anh Tuấn cũng đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư F88 và Công ty CP Kinh doanh F88.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Phùng Anh Tuấn cho biết: “Do lúc mở công ty, có những lúc tôi phải mang đồ đi cầm, từ đó tôi nhận thấy cầm đồ là một thị trường vô cùng tiềm năng vì có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt. Dù thấy đây là một cơ hội lớn dành cho mình, nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tôi có thể bắt đầu ngành cầm đồ với F88.
Qúa trình làm trung tâm an ninh mạng đã giúp tôi tích lũy rất nhiều kiến thức, chín chắn hơn trong mọi hoạt động cũng như tìm hiểu vấn đề rất cẩn thận. Từ đó, có thể áp dụng triệt để công nghệ vào hoạt động kinh doanh tại F88 cũng như không triển khai vội vàng mà tìm hiểu rất kĩ và làm đúng luật”.
Vậy là một người làm bảo mật, Phùng Anh Tuấn “chuyển mình” với F88, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ ở Việt Nam.