Huyện Lấp Vò tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành lúa, gạo
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lấp Vò, thời gian qua, huyện yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết sản xuất, phát triển mô hình kinh tế tập thể, đồng thời phát huy những mô hình đặc thù kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương...
Từ thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của huyện có sự phát triển bền vững là sự đóng góp rất lớn từ cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất. Từ các nguồn vốn, địa phương tập trung đầu tư các gói thầu về hạ tầng cho các vùng sản xuất, nhất là vùng sản xuất chuyên canh. Huyện Lấp Vò đã định hướng đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm về sản xuất lúa ở xã Bình Thạnh Trung và vùng sản xuất màu trọng điểm ở các xã: Hội An Đông, Mỹ An Hưng A. Đây là nền tảng cơ bản để địa phương tập trung thực hiện Đề án TCCNN.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là tập trung phát triển các cây trồng chủ lực. Trong đó, việc liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra nông sản là chủ trương đúng đắn mà địa phương đang nhân rộng và phát triển. Đối với cây lúa, huyện chủ trương thực hiện liên kết tiêu thụ lúa trong các cánh đồng liên kết, năm 2018 trên địa bàn huyện hơn 2.600ha, sản lượng hơn 16.000 tấn, tăng 335,7ha (tương đương 15%) và hơn 3.700 tấn so với năm 2017.
Với sản xuất hoa màu, Lấp Vò tập trung thực hiện mô hình sản xuất khoai môn theo hướng an toàn với diện tích 100ha tại các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Tân Mỹ... Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Mỹ An Hưng B với diện tích 0,2ha và xã Định An với diện tích 0,4ha. Hỗ trợ thực hiện mô hình nhà kính trồng rau màu ở xã Tân Khánh Trung với diện tích 0,4ha.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Lấp Vò chú trọng tổ chức hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng VietGAP để sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể như thực hiện trên mô hình sản xuất cây ăn trái gồm: sản xuất nhãn và cam theo quy trình VietGAP ở Tân Khánh Trung... Ngoài ra, huyện còn tập trung xây dựng các mô hình trình diễn về sản phẩm khoai môn theo hướng an toàn, sản xuất rau an toàn ở xã Định An; triển khai thực hiện sản xuất xoài theo quy trình VietGAP ở xã Định Yên (4ha), sản xuất cam (5,3ha) và nhãn (3ha) theo quy trình VietGAP ở xã Tân Khánh Trung.
Nhằm giúp nông dân nắm bắt được các tiến bộ kỹ thuật mới và áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức các buổi tọa đàm, các cuộc hội thảo của ngành. Đáng chú ý như tập huấn sản xuất khoai môn theo hướng an toàn ở các xã vùng màu; tọa đàm kỹ thuật sản xuất cây ớt ở Hội An Đông, cây có múi ở Bình Thành, Vĩnh Thạnh; hội thảo mô hình nuôi heo theo hướng hữu cơ ở Tân Khánh Trung...
Các ngành hàng chủ lực được huyện Lấp Vò chú trọng phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Với mục tiêu hỗ trợ, giới thiệu quảng bá các mặt hàng nông sản, thời gian qua, huyện Lấp Vò đã tổ chức hội nghị liên kết tiêu thụ, làm cầu nối để các doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gặp gỡ trao đổi, tìm hướng thực hiện liên kết; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh hướng dẫn các đoàn doanh nhân trong và ngoài nước khảo sát các vùng sản xuất tập trung để tìm hướng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết tiêu thụ nông sản. Từ đó, tạo điều kiện cho nông dân, HTX, THT tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ Đề án TCCNN theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về mục tiêu của Đề án TCCNN của tỉnh và kế hoạch triển khai thực hiện của huyện. Tập trung triển khai thực hiện một số mô hình khuyến nông hỗ trợ các ngành hàng tái cơ cấu, riêng đối với cây lúa, tiếp tục theo dõi và thực hiện cánh đồng liên kết sản xuất lúa tại các xã: Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Định An, Vĩnh Thạnh, Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B... Tiếp tục theo dõi các mô hình liên kết sản xuất với các công ty như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty giống cây trồng Miền Nam, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Giống Đồng Tháp. Theo dõi mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh ở xã Bình Thành.
Đối với cây màu, địa phương sẽ triển khai thực hiện mở rộng thêm mô hình sản xuất khoai môn theo hướng an toàn tại vùng trồng tập trung, quy mô lớn khoảng 30ha tại xã Mỹ An Hưng A; sản xuất theo hướng rải vụ nhằm cân đối diện tích, sản lượng cung cấp trên thị trường; xúc tiến thương mại, kêu gọi liên kết tiêu thụ chợ đầu mối nông sản. Vận động hỗ trợ thực hiện mô hình vườn cây kiểu mẫu kết hợp du lịch trải nghiệm 2ha/mô hình ở xã Tân Khánh Trung. Tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động các THT sản xuất như: THT sản xuất xoài theo hướng an toàn tại xã Định Yên, THT sản xuất cam theo hướng an toàn xã Tân Khánh Trung...
Ông Hồ Tấn Vũ - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò cho biết, việc liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra nông sản là chủ trương đúng đắn cần được nhân rộng và phát triển. Hiện tại, nông dân cũng dần dần thay đổi tư duy, muốn được học tập kinh nghiệm và liên kết sản xuất trong các mô hình hiệu quả. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung nghiên cứu thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững; đẩy mạnh việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học vào sản xuất; nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích sản xuất.