EVFTA: Hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

Thứ tư, 31 Tháng 7 2019 08:53 (GMT+7)
Các nhà đầu tư châu Âu muốn tìm những doanh nghiệp Việt Nam có uy tín, trách nhiệm, làm ăn nghiêm túc với họ để hợp tác, đem lại lợi ích cho cả hai phía

Ngày 30-7, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề "EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện" do Bộ Công Thương tổ chức, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho rằng mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu sang EU có thuế suất 5,5% hiện nay và giảm còn 0% trong 3 năm tới sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp (DN) tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm này tại thị trường châu Âu.

"Hiện nay, xuất khẩu cá tra phi lê sang EU đạt 300 triệu USD. Thuế suất về 0% sẽ giúp Việt Nam quay lại thành tích xuất khẩu 500 triệu USD mà chúng ta từng đạt trong những năm trước. Sản phẩm cá tra tẩm bột cũng sẽ có cơ hội khi không còn vấp phải sự cạnh tranh của các quốc gia vốn không chịu thuế từ châu Âu" - bà Tâm dự báo.

Ông Lê Kỳ Anh, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cũng nhận định cơ hội cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang châu Âu trong EVFTA là rất lớn. "Nếu một đôi giày xuất khẩu sang châu Âu giá 100 euro, Việt Nam được hưởng 2 euro thì khi xuất khẩu nông lâm thủy sản, gần như toàn bộ giá trị đó nông dân và DN được hưởng. Ngoài ra, còn có những tác động lan tỏa lớn hơn nhiều, ví dụ thuế suất 0% sẽ thu hút nhiều DN nhập khẩu, phân phối ở châu Âu đặt hàng của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh lượng hàng xuất khẩu" - ông Lê Kỳ Anh nói.

EVFTA: Hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu nông sản xuất khẩu với đối tác châu Âu bên lề diễn đàn Ảnh: Tấn Thạnh

Liên quan đến đầu tư, theo ông Lê Kỳ Anh, với EVFTA, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này đem lại lợi ích cực kỳ lớn bởi hiện tại, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chưa lớn; DN, nông dân cần nhiều hơn nữa các kỹ năng, công nghệ, phương thức quản lý để đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.

"Kết quả tối ưu không phải sự cạnh tranh trực diện với nhau mà là bổ sung cho nhau. Từ hiệp định này, chắc chắn phía châu Âu muốn tìm những DN Việt có uy tín, trách nhiệm, sẵn sàng làm ăn một cách nghiêm túc với họ. Tác động có lợi không chỉ dừng ở thuế quan mà còn lan tỏa, giúp ích cho sự trưởng thành của DN, giúp DN có khả năng quản lý tốt hơn, nâng cao trình độ của lao động Việt Nam" - ông Lê Kỳ Anh phân tích.

Để tận dụng được cơ hội cho nông thủy sản xuất khẩu, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng không còn cách nào khác là phải nâng cao năng lực của DN. DN cũng cần chủ động tìm hiểu nhu cầu luôn luôn thay đổi của các thị trường đối tác để sẵn sàng đáp ứng. Đặc biệt, các vấn đề xã hội, an sinh vật nuôi hiện vẫn còn lạ lẫm với Việt Nam nhưng DN cần sớm làm quen bởi sắp tới, EU sẽ đưa ra những yêu cầu này ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm.

"Thương hiệu cũng là vấn đề mà DN Việt còn yếu. Thuế suất ưu đãi là cơ hội nhưng bản thân sản phẩm cá tra nói riêng và thủy sản nói chung phải tăng độ nhận diện, uy tín trong lòng người tiêu dùng thì mới tận dụng được cơ hội" - bà Tâm chỉ rõ.

Dưới góc độ quản lý, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhận xét các vấn đề còn hạn chế của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như an toàn vệ sinh, chất lượng, thương hiệu… chỉ giải quyết được khi xây dựng được các vùng chuyên canh nông nghiệp. 

Cẩn trọng xuất xứ hàng hóa

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong EVFTA, khi hải quan nước đối tác phát hiện hàng nhập khẩu không thể hiện đúng năng lực thực sự của nước xuất khẩu thì có thể tạm dừng ưu đãi thuế quan với không chỉ lô hàng bị kiểm tra mà còn với tất cả DN liên quan có sản phẩm xuất khẩu cùng mã HS. Ngoài ra, với nguyên tắc xác minh xuất xứ, nước đối tác sẽ tăng cường hậu kiểm đối với các lô hàng sau khi thông quan. Do đó, DN Việt cần hết sức cẩn trọng trong vấn đề xuất xứ của hàng hóa.

Phương Nhung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế