Bộ Công Thương vừa công bố dự Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam để lấy ý kiến các bên liên quan. Dự thảo Thông tư được xây dựng trong bối cảnh đang có các ý kiến khác nhau về việc xác định xuất xứ hàng hóa.
Cơ quan soạn thảo cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Theo dự thảo Thông tư, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam, Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất, Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo, Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác.
Cơ quan chức năng đang làm rõ những nghi vấn về xuất xứ hàng hóa của Asanzo
Theo dự thảo, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Trong dự thảo cũng nêu rõ, các công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản. Hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn sau, không được coi là hàng hóa của Việt Nam, gồm: Các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự); các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự; trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại; lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh; giết, mổ động vật.
Điều 6 của dự thảo Thông tư cũng quy định các trường hợp không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nếu không đáp ứng điều kiện nêu trên, không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
"Hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó"- dự thảo Thông tư nêu rõ.