Tuy vậy, cần phải thẳng thắn nhìn nhận nông sản Việt Nam ngay từ khâu đầu đã yếu thế khi phần lớn vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định và thiếu sự đồng đều. Trong khi đó, các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với lý do bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nước họ. Vậy nên, để khai thác được những lợi thế nhờ các hiệp định thương mại tự do mang lại, nông sản Việt Nam cần phải nâng chất lượng thì mới tạo được lợi thế cạnh tranh; nếu không thì không chỉ bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu mà còn gặp khó ngay trên sân nhà khi nông sản từ các nước đổ bộ sang.
Chăm sóc thanh long tại vườn đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ
Việc nâng chất lượng nông sản phải bắt đầu từ khâu sản xuất ban đầu, tức chủ yếu do nông dân thực hiện. Thế nhưng, hiện nay có không ít nông dân vẫn suy nghĩ và thường phát biểu công khai trong các cuộc họp rằng "muốn tôi làm sạch thì giá bán phải cao hơn" mà vẫn chưa ý thức được đã sản xuất là phải sạch. Lối mòn suy nghĩ của người nông dân - theo các chuyên gia, doanh nghiệp - xuất phát từ thị trường tiêu thụ trước giờ khá dễ tính, người tiêu dùng đánh giá sản phẩm bằng cảm quan mà chưa đặt nặng vấn đề nguồn gốc, tính an toàn lâu dài của sản phẩm. Thị trường ngày nay đã thay đổi, người mua không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn muốn biết cả quy trình sản xuất. Họ cần biết sản phẩm mình sắp mua được nuôi trồng như thế nào, dùng những vật tư đầu vào ra sao và cách người nông dân kiểm soát những mối nguy cơ để sản phẩm cuối cùng an toàn. Tất cả quá trình sản xuất phải được chứng minh cụ thể bằng nhật ký nuôi trồng và các hồ sơ, chứng từ liên quan chứ không phải làm để đối phó.
Trong nhiều lần nói kinh nghiệm làm giàu từ nông nghiệp, lão nông Võ Quan Huy (Long An) - người trồng chuối xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với doanh số hàng triệu USD mỗi năm - đều nhấn mạnh đến sự thay đổi trong tư duy và người nông dân phải có ý thức trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Hàng đã bán ra, nếu có lỗi mà lỗi thuộc về người sản xuất thì họ phải dũng cảm chịu trách nhiệm, không được phủi tay sau khi đã bán xong. Bởi nếu chỉ sau "mua đứt bán đoạn" là hết trách nhiệm, nếu bị người tiêu dùng đánh giá thấp chất lượng, giá trị sản phẩm thì khi đó người nông dân cũng chẳng được lợi.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mới đây đã chia sẻ câu chuyện về việc giúp nông dân "con cá hay cần câu" theo một cách rất thực tế. Theo đó, việc hỗ trợ "con cá" cho nông dân là hoàn toàn không nên nhưng việc cho họ cái "cần câu" cũng chưa đủ. Vì nếu cho "cần câu" mà không dạy cách câu cá thì người nông dân không thể chuyển đổi bền vững. Thị trường thay đổi, nông dân phải thay đổi nhưng đây là quá trình dài, cần sự kiên trì mới có sự chuyển biến thực sự. Nếu không, người nông dân vẫn quay lại phương thức sản xuất cũ và việc "giải cứu nông sản" vẫn phải diễn ra khi việc sản xuất không theo thị trường mà theo thói quen.