Trong bối cảnh bất động sản (BĐS) từ đầu năm đến nay ảm đạm; tín dụng cho thị trường này bị siết; hàng loạt dự án bị đình trệ vì vướng thủ tục khiến nguồn cung nhà ở, căn hộ sụt giảm mạnh… nhiều nhà đầu tư trên sàn lo lắng, rời xa nhóm cổ phiếu BĐS vì sợ "vạ lây". Tuy vậy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp (DN) cho thấy tín hiệu khả quan.
Tăng trưởng nhờ bàn giao nhà
Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã CK: NTL) ghi nhận hơn 84 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ dự án chung cư lô 4.5 Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và dự án Bắc Quốc lộ 32, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Qua đó, lãi ròng 6 tháng đầu năm lên hơn 120 tỉ đồng, gấp 6,6 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã CK: NLG) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các dự án cũ như Valora Island, Kikyo Flora… đã dần hoàn tất tiến độ giao nhà trong nửa đầu năm 2019 và triển vọng tích cực từ một số dự án tạo ra nguồn thu trong tương lai như Novia, Waterpoint, Paragon Đại Phước… đang trong quá trình xây dựng.
Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trong thời gian tới, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu ngành này. Trong ảnh: Một dự án sắp bàn giao tại quận Tân Phú, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã CK: HDG), DN BĐS này ngoài việc bàn giao các dự án Hado Centrosa, Hado Dragon City còn chính thức vận hành dự án điện mặt trời Hồng Phong 4. Nhờ đó, chỉ riêng quý II/2019, HDG đạt doanh thu thuần hơn 945 tỉ đồng, tăng hơn 123% và lãi ròng gần 173 tỉ đồng, gấp hơn 9,3 lần kết quả quý II/2018. Tính đến hết tháng 6-2019, HDG lãi ròng gần 381 tỉ đồng, gấp hơn 10 lần kết quả cùng kỳ năm trước. Để tăng cường năng lực tài chính, HDG đang có kế hoạch phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 6%.
Ngay cả Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) cũng báo lãi ròng trong quý II/2019 gấp gần 7 lần so cùng kỳ với hơn 31 tỉ đồng, nguyên nhân chính là do DN bắt đầu bàn giao căn hộ cho khách và doanh thu từ hoạt động tài chính tăng.
Ngoài ra, còn khá nhiều DN BĐS khác ghi nhận mức lãi lớn trong nửa đầu năm như Công ty CP Vinhomes (mã CK: VHM) thuộc Tập đoàn Vingroup chỉ riêng quý II đã lãi tới 10.000 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận ròng 6 tháng lên 13.415 tỉ đồng nhờ hoạt động bán buôn tại dự án Vinhomes Ocean Park và các dự án khác như Vinhomes GreenBay và Vinhomes Metropolis. Tập đoàn Novaland đạt hơn 8.000 tỉ đồng doanh thu nhờ bàn giao gần 3.000 sản phẩm trong nửa đầu năm 2019, lãi ròng đạt hơn 890 tỉ đồng…
Vẫn còn cơ hội
Theo TS-LS Bùi Quang Tín, tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn tốt, lạm phát được kiềm chế và tỉ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép một số ngân hàng nới trần tín dụng, chắc chắn một phần sẽ chảy vào BĐS. Vì vậy nhà đầu tư không nên quá bi quan vào thị trường mà hãy tìm điểm sáng để có thể đầu tư cổ phiếu. "Mặc dù tổng lượng giao dịch BĐS 6 tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm nên đợt khó khăn lần này của thị trường không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, BĐS và tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành" - ông Tín nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), đánh giá bức tranh BĐS trong 7 tháng qua là khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội. "Tình hình cuối năm đối với TP HCM sẽ sáng sủa hơn 6 tháng đầu năm vì chúng tôi tin với sự vào cuộc của lãnh đạo TP cũng như có nhân tố để đột phá - dự án khu Đông TP HCM - sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ ở trong căn hộ cao cấp, quần thể đô thị hoàn chỉnh (dù giá cao nhưng diện tích phù hợp). Ở khu Nam có dự án quy mô tương tự sẽ được triển khai tại Nhà Bè…" - ông Châu dự báo.
Nói về "sức khỏe" của các công ty BĐS trước khi lựa chọn cổ phiếu, ông Lại Đức Dương, Trưởng bộ phận phân tích ngành BĐS thuộc Công ty CK Rồng Việt, nhắc nhà đầu tư cần chú ý tới 2 điểm quan trọng trong báo cáo tài chính là "hàng tồn kho" và "Người mua trả tiền trước" trong báo cáo tài chính. Cụ thể, về khoản mục "hàng tồn kho" tăng từ năm 2016 đến quý I/2019 có thể là do DN mua quỹ đất. Khoản mục "Người mua trả tiền trước", nếu khoản mục này cao cho thấy công ty có "của để dành" lớn. Năm 2015-2017, chỉ số "Người mua trả tiền trước" tăng đều và giảm năm 2018 nhưng đã tăng lại quý I/2019.
Ông Dương cho rằng cơ hội đầu tư ngắn hạn với cổ phiếu BĐS tập trung vào những DN kết quả kinh doanh tốt năm 2019, có quỹ đất sạch, pháp lý minh bạch và định giá hợp lý. Còn rủi ro nằm ở nguồn vốn, lãi suất, nhu cầu thị trường...
Còn theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp Công ty Chứng khoán KIS, trong ngành BĐS, lĩnh vực BĐS công nghiệp đang hưởng lợi do quá trình dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam. BĐS dân dụng, nhà đầu tư nên quan tâm đến DN nào có sự dịch chuyển uyển chuyển sang các phân khúc đang phát triển. Các DN có sự tăng trưởng đều đặn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên chọn thời điểm để mua vào, việc chọn thời điểm mua vào quyết định 50% thành công của nhà đầu tư.
VN-Index giảm gần 18 điểm
Ngày 5-8, VN-Index giảm mạnh gần 18 điểm, xuống còn 973,15 điểm (giảm 17,95 điểm), mức giảm khá mạnh trong vài tháng trở lại đây. HNX-Index cũng mất 0,8 điểm xuống còn 102,91 điểm.
Diễn biến thị trường cho thấy nhà đầu tư tranh nhau bán cổ phiếu, nhất là blue-chips, kéo theo đà lao dốc không cưỡng lại nổi của chỉ số. Sự rớt giá của các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup được xem là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Giao dịch ở cả hai sàn HoSE và HNX đạt gần 222 triệu cổ phiếu, trị giá gần 5.580 tỉ đồng. Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ở cả hai sàn với lượng cổ phiếu trị giá khoảng 243 tỉ đồng.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng có thể nhà đầu tư trong nước đã bị ảnh hưởng tâm lý từ thị trường chứng khoán thế giới, nhất là khu vực châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần.