Kiến tạo một ĐBSCL thịnh vượng - Bài 2: Lúng túng hiện thực hóa tầm nhìn

Thứ ba, 13 Tháng 8 2019 14:24 (GMT+7)
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, tư duy hiện đại về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) cần huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia và phải có những người nông dân đổi mới, chính quyền năng động. Nhưng trên thực tế các địa phương còn đang loay hoay với bài toán kiến tạo để phát triển, lúng túng trong hiện thực hóa tầm nhìn theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Các trạm bơm tát nước sản xuất nông nghiệp thường xuyên hoạt động khi mùa khô xuất hiện tại ĐBSCL, làm tăng thêm chi phí sản xuất cho nông dân. 

Liên kết rời rạc

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng khi nói về Nghị quyết 120, cần phải đề cập tới hai chính sách khác thì mới thấy rõ bức tranh chính sách. Nghị quyết 120 cùng với Quyết định 593 của Chính phủ thí điểm về Liên kết vùng và Luật quy hoạch 2017 được đánh giá là bộ ba công cụ chính sách mang tính liên hoàn, rất cần thiết để hỗ trợ cho nhau, tác động đến sự phát triển của đồng bằng. “Nghị quyết 120 đang tạo được sự tin tưởng và nguồn cảm hứng, gây được sự chú ý lớn đối với ĐBSCL. Song, dư luận thắc mắc tại sao sau 2 năm Nghị quyết ra đời, chưa thấy chuyển biến gì rõ nét trên thực địa. Thắc mắc là đúng nhưng cần phải hiểu với một nghị quyết ở tầm chiến lược thì chưa thể kỳ vọng có những kết quả cụ thể ở thực địa trong thời gian ngắn được. Trước khi thực hiện những hành động cụ thể ở thực địa, cần có những bước đệm để chuẩn bị”-ông Thiện nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, thực tế hiệu quả triển khai hoạt động liên kết theo Nghị quyết 120 chưa cao. Nói về liên kết vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng, các địa phương, bộ ngành mới được thực hiện các trao đổi ở cấp độ chính sách, chưa có quy định ràng buộc việc thực hiện các cam kết. Các tỉnh, thành trong vùng có cơ cấu kinh tế tương tự nhau, nên đầu tư trùng lắp, dàn trải, xuất hiện một số “xung đột lợi ích” trong ưu tiên phát triển giữa các địa phương. Quy hoạch vùng là công cụ quan trọng định hướng điều phối liên kết vùng nhưng hiện nay mới lựa chọn được tư vấn quốc tế và cần thời gian hoàn thiện. Thiếu căn cứ, nên các địa phương gặp lúng túng trong việc nhận diện, xác định các hoạt động liên kết cụ thể. Các cơ quan quản lý cấp Trung ương cũng thiếu căn cứ cho công tác tổ chức và quản lý hoạt động liên kết trong vùng, bao gồm việc phân bổ và điều phối nguồn lực phát triển.

TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), nói: “Nghị quyết 120 có đề cập đến liên kết vùng, các địa phương có họp bàn để liên kết, nhưng chưa có gì là rõ ràng, còn nặng trên giấy tờ. Họp bàn xong rồi về mạnh ai nấy làm theo cách cũ. Tôi có cảm giác việc liên kết này giống như bỏ củ khoai, củ sắn vào một bọc, khi mở ra thì mạnh củ nào củ ấy lăn, cuối cùng thì củ khoai cũng là củ khoai, củ sắn vẫn là củ sắn. Mục tiêu của việc liên kết là tạo ra sản phẩm có giá trị với sự đóng góp của mỗi tỉnh, thành, đó mới là liên kết”. Sự phát triển của ĐBSCL không chỉ cho đồng bằng mà cho cả nước, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, sinh kế của hàng triệu người dân đồng bằng đang bị đe dọa rất lớn từ BĐKH và do chính nội tại của quá trình phát triển.

Bộ Tài nguyên  và Môi trường được Thủ tướng giao nhiệm vụ là đầu mối tổng hợp, kết nối các bộ, ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết 120, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhận xét: Nghị quyết số 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, nhưng các Bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, chưa đủ năng lực đề xuất, chuẩn bị các dự án lớn với công nghệ phù hợp về thích ứng với BĐKH, chuyển đổi quy mô lớn. Bên cạnh đó, cơ chế liên kết chưa rõ ràng để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, nên chưa đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông... Nghị quyết xác định phát triển thuận thiên theo 3 vùng kinh tế sinh thái nhưng chậm được triển khai, do việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch còn thiếu tổng thể. 

Nhận định liên kết giữa các địa phương ĐBSCL thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, cho biết: “Trong sản xuất nông nghiệp tỉnh nào làm được cái gì thì bắt đầu tính đến quy hoạch liên kết xây dựng nhà máy, chế biến, vùng nguyên liệu, chia sẻ thông tin. Đối với vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang có nét tương đồng để liên kết là trong lĩnh vực sản xuất lúa. Tuy nhiên, triển khai thực địa rất khó, vì Kiên Giang có biển, đảo; An Giang có núi, du lịch tâm linh còn Hậu Giang, Cần Thơ lại không có. Vì vậy, trong 4 địa phương, chỉ Cần Thơ và Hậu Giang là có nhiều nét tương đồng để liên kết phát triển như hệ thống kênh rạch, sản xuất nông nghiệp, cây ăn trái”…   

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tỉnh cùng với các tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long - Trà Vinh xây dựng “Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL”. Sau Quyết định 593 và Nghị quyết 120 của Chính phủ, các tỉnh đã phần nào định hướng bước khá cụ thể trong xây dựng, liên kết và hợp tác phát triển. Song, nhìn toàn diện liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; nhất là trong công tác phối hợp, điều hành, phân định chức năng, nhiệm vụ và cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện liên kết trong tiểu vùng. Sự quan tâm, tham gia của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; đồng thời, hiện các tỉnh trong Tiểu vùng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động liên kết nên chưa thể tác động lớn đến các đối tượng này.

Thiếu vai trò “nhạc trưởng”

Thực tế chứng minh, phát triển bền vững, thích ứng BĐKH ở ĐBSCL cần có sự quyết tâm chính trị và tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng để xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể với cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, liên vùng. Từ đó mới có thể giải quyết toàn diện những thách thức hiện tại và định hướng cho sự phát triển dài hạn của ĐBSCL. Song, đồng bằng đang thiếu “nhạc trưởng” để điều phối chung cho sự phát triển.

ĐBSCL thường xuyên bị khô hạn, cạn kiệt dòng nước làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng. 

Xây dựng một cơ chế đồng thuận và thể hiện được lợi ích giữa các bên liên quan khi tham gia liên kết là yêu cầu tất yếu. Cụ thể đối với một số vấn đề mang tính vùng hoặc liên tỉnh, như điều tiết và chia sẻ nguồn nước hay xây dựng kết cấu hạ tầng, các địa phương thiếu một cơ chế để cùng bàn bạc và thảo luận một cách thấu đáo. Do đó, quá trình thảo luận có những vướng mắc về kỹ thuật hoặc cơ sở pháp lý thì các bên chưa có cách thức tháo gỡ và giải quyết. Điều này cũng dẫn tới khó khăn trong việc xây dựng đồng thuận để thực hiện các vấn đề liên kết đã ký kết giữa các địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho biết: “Các quy định hiện hành chưa có quy định ưu tiên xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho hoạt động liên kết tại ĐBSCL. Điều khoản quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết đến nay chưa thực hiện được”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quyết định 593 được ban hành sau khi Quốc hội đã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, việc huy động nguồn lực từ xã hội vào hoạt động liên kết còn hạn chế. Bộ KH&ĐT được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm liên kết chung toàn vùng, nhưng Bộ không phải là cơ quan chuyên trách, không có đủ thẩm quyền để điều phối sự phát triển chung của vùng. Cơ sở dữ liệu về các vấn đề mang tính liên tỉnh và toàn vùng chưa được hình thành. Tình trạng này khiến các bên liên quan thiếu thông tin và căn cứ khoa học cho việc ra quyết định đối với các vấn đề liên kết. 

Gia Bảo-Lê Thanh- Hà Văn - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế