Tác động kép
Theo kịch bản BĐKH năm 2016, nếu mực nước biển dâng 1m và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. Các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang 80,62%, Kiên Giang 76,86% và Cà Mau 57,69%. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, cho rằng: "Diễn biến của BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển cũng nghiêm trọng hơn. Cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra và các tác nhân gây BĐKH như thế nào tại ĐBSCL để giải quyết vấn đề dựa trên các quy hoạch". Thực tế hiện nay, ĐBSCL cũng đang đối mặt với những vấn đề về lũ và ngập lụt ở vùng thượng, xâm nhập mặn ở vùng ven biển, thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển ngày càng nghiêm trọng và ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.
Nhiều nhà khoa học nhận định, khí hậu nóng lên, nước biển dâng và hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong ngày càng phức tạp hơn đã tác động kép đến ĐBSCL. Theo "Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong", khi các công trình thủy điện của Trung Quốc trên sông Lan Thương đi vào vận hành thì tổng lượng phù sa bùn cát hằng năm từ Trung Quốc về tới Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) giảm từ 73 triệu tấn xuống còn 42 triệu tấn, giảm 42%. Nếu cộng thêm cả thủy điện và khai thác sử dụng nước của Lào, Campuchia và Thái Lan thì lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên. Tác động này làm cho xâm nhập mặn gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển; làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và gây bất lợi cho hoạt động giao thông thủy trên toàn tuyến.
GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: "Các thay đổi dòng chảy thượng lưu về đồng bằng do tác động của con người là một trong các yếu tố tác động khó kiểm soát nhất đến diễn biến mặn trên đồng bằng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế, sản xuất nông nghiệp trong vùng". Cùng ý kiến này, TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện BĐKH (Đại học Cần Thơ), cho rằng: Tác động của BĐKH đến ĐBSCL có thể ứng phó bằng nhiều giải pháp, nhưng tác động lớn nhất và đáng lo ngại nhất vẫn là các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Điều này có thể làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân cũng như sự phát triển của ĐBSCL.
Dự trữ nước mưa sử dụng trong mùa khô là giải pháp được người dân ĐBSCL thực hiện. Trong ảnh: Người dân TP Cần Thơ xây dựng hồ chứa nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống. Ảnh: V.T
Ngoài ra, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên là một mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái. Diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp lại, gia tăng diện tích nuôi tôm… đang làm phức tạp thêm tình hình nhiễm mặn các khu vực ven biển. Và do có các công trình bảo vệ bờ ven biển nên diện tích các khu vực ngập triều ven biển bị thu hẹp, điều này làm cho tình hình xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tác động của BĐKH đã gây ra những ảnh hưởng rất nặng về sạt lở bờ biển tại địa phương. Thời gian qua, đối với giải pháp công trình, dù tự hào với kết quả đã đạt được, song có thể nói địa phương chỉ mới thành công trong tạo ổn định gây bồi, nhưng mức đầu tư thực hiện quá cao, vượt quá khả năng đầu tư của tỉnh". Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trung bình hằng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển và là vấn đề đáng báo động.
Trở ngại trong đổi mới tư duy
ĐBSCL đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước; đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Hiện gạo Việt Nam chiếm 20% thị phần gạo toàn cầu, trong đó có hơn 90% đến từ ĐBSCL, điều này cho thấy vai trò an ninh lương thực của đồng bằng đối với thế giới. Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời nhằm phát triển bền vững và toàn diện ĐBSCL trong đó có nông nghiệp. Song, chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết theo quan sát của ông, độ lan tỏa của nghị quyết chưa cao, nhiều người chưa nghe đến hoặc chỉ nghe loáng thoáng một nghị quyết về đồng bằng nhưng không biết những định hướng là gì. Trong đó dễ nhận thấy nhất là trở ngại ở tầm tư duy và những trở ngại ở thực địa.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, những quan niệm và cách làm cũ, đặc biệt là trong nông nghiệp sẽ làm chậm việc thực hiện những định hướng của nghị quyết. Chuyện thứ nhất, tư duy về an ninh lương thực, do thâm canh lúa liên tục trong đê bao, đất đai bị bạc màu, cạn kiệt nhanh. Tiếp tục cách này, khoảng 20-25 năm nữa, sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Trong khi ngày nay, khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là không chỉ có gạo. Nếu vẫn giữ tư duy an ninh lương thực bằng số lượng thì việc chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp như Nghị quyết 120 sẽ không khả thi.
Chuyện thứ hai về tư duy "liên hoàn kế", theo ông Nguyễn Hữu Thiện mục tiêu bền vững liên hoàn cả 3 mặt kinh tế-xã hội- môi trường chưa được thấm và dễ bị hiểu đơn giản như lâu nay là "chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi" tức là chỉ chuyển từ cây nọ sang cây kia, nuôi con nọ sang con kia, sản lượng cao hơn là được mà không tính đến chất lượng, thị trường, môi trường bị ảnh hưởng như thế nào và tác động xã hội. Theo tinh thần Nghị quyết 120, đối với nông nghiệp, "liên hoàn kế" nên được hiểu là giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị vươn tới thị trường giá trị cao. Xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì nên hạn chế ngăn mặn, cản trở dòng chảy để phục hồi thủy sản biển, phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún nhưng giải pháp công trình vẫn được chú trọng. Đó là chưa nói đến chuyện "rối quy hoạch", từng ngành và từng địa phương vẫn mong muốn theo đuổi mục đích, thành tích riêng mà bỏ quên tổng thể của cả đồng bằng.
Khó khăn thực địa, trên thực tế, xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi của đồng bằng. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp... đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ tại ĐBSCL như vốn có trước đây. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân cư vượt lũ... làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ làm gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều nơi. Ở các khu vực trung và hạ lưu ĐBSCL, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lũ. Hiện cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho 60-65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn; trong khi nguồn nước khu vực nông thôn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là mặn và ô nhiễm…
TS Lê Anh Tuấn cho rằng, thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120 thì công trình mềm phải được ưu tiên số một, tuy nhiên trong thực tế chưa có thay đổi cụ thể. Như các vùng đê bao 3 vụ lúa, nông dân muốn chuyển đổi lại chưa có hướng dẫn chuyển đổi. Một số địa phương vùng ven biển họ đã giảm hoặc không sản xuất lúa nữa cho phù hợp với điều kiện hiện nay nhưng lại chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề chuyển đổi này. Một thực tế khác là đã phê duyệt đầu tư cho công trình ngăn mặn Cái Lớn- Cái Bé, nhưng vẫn rót tiền để làm các công trình đê bao, cống ngăn mặn, khi đó sức khỏe đất bị suy giảm vì đất ứ đọng, nông dân muốn chuyển sang nuôi tôm không có nước mặn… "Phát triển thuận thiên theo Nghị quyết 120, một số địa phương chưa xem xét thấu đáo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế và sự phát triển bền vững của đồng bằng"-TS Lê Anh Tuấn nói.
Theo dự báo, mùa khô những năm 2030, toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn từ 45% diện tích trở lên nếu các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.