Rót tiền thúc ngành ôtô tăng tốc

Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 08:41 (GMT+7)
Nếu sửa đổi chính sách hiệu quả, công nghiệp ôtô của Việt Nam sẽ có cơ hội thành công

Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ đề án phát triển ngành công nghiệp ôtô vào cuối năm nay với các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án sản xuất ôtô trong nước. Cùng với đó, bộ này còn đề xuất hình thành gói tín dụng 100.000 tỉ đồng để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), mà cốt lõi là các ngành phụ trợ phục vụ sản xuất ôtô.

Thời gian dài loay hoay

Không phải đến bây giờ các cơ quan tham mưu cho Chính phủ mới tính đến giải pháp cho ngành công nghiệp "xương sống" của quốc gia. Từ nhiều năm trước, hàng loạt phương án thúc đẩy CNHT phục vụ sản xuất ôtô đã được đưa ra bàn thảo nhưng doanh nghiệp (DN) nội hầu như không tiếp cận được ưu đãi và thị trường vẫn chứng kiến làn sóng áp đảo của xe ngoại nhập.

Bộ Công Thương đánh giá sau hàng chục năm, sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp, với nhóm linh kiện như: chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe... Sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất và cung ứng.

Rót tiền thúc ngành ôtô tăng tốc - Ảnh 1.

Một góc nhà máy sản xuất ôtô của THACO ở tỉnh Quảng Nam Ảnh: Trần Thường

TS Lê Huy Khôi, Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương, nhìn nhận dù một số DN sản xuất, lắp ráp ôtô lớn trong nước đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất với quyết tâm phát triển một cách bài bản như THACO, VinFast nhưng nhìn chung, sau 20 năm hưởng ưu đãi của một ngành sản xuất mũi nhọn, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chỉ là ngành lắp ráp. Mô hình hoạt động chính được các DN áp dụng là nhập khẩu linh kiện, lắp ráp và phân phối trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có tới 358 DN sản xuất liên quan đến ôtô, trong đó có 50 DN lắp ráp, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe. Số DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô lên đến 214. Tuy số lượng trên thấp hơn rất nhiều so với con số hàng ngàn DN sản xuất linh kiện ôtô của Thái Lan nhưng đó vẫn là nguồn lực lớn trong cộng đồng DN. Bởi vậy, đề án của Bộ Công Thương có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ, khơi thông và tạo động lực cho DN nội phát huy khả năng, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: "Nếu nhà nước chi mỗi năm khoảng 2.000 tỉ đồng cấp bù lãi suất 2% cho DN, sẽ có một dư nợ cho vay khoảng 100.000 tỉ đồng. Với phương án số vốn này có vòng quay là 1,5 vòng/năm sẽ tạo ra doanh thu khoảng 150.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 7 tỉ USD, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu sản phẩm CNHT Việt Nam".

Chưa căn cơ

Tuy vậy, DN trong ngành và giới chuyên gia đón nhận thông tin về gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho CNHT với nhiều quan điểm khác nhau.

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam, nói dù ông chưa biết phương pháp tiếp cận gói hỗ trợ trên ra sao nhưng bất cứ trợ lực nào từ phía nhà nước cũng đều cần thiết trong bối cảnh dung lượng thị trường còn nhỏ, đất nước chưa phát triển tới thời kỳ "ôtô hóa". "Dung lượng thấp là khó khăn lớn nhất cho CNHT nội địa cạnh tranh giá thành với linh kiện được sản xuất ở các thị trường lớn. CNHT đi từ những linh kiện rất nhỏ đến linh kiện lớn và không phải DN nào cũng đủ khả năng tham gia vào chuỗi, kể cả chuỗi sản xuất chi tiết nhỏ, đơn giản. Nếu được hỗ trợ, họ sẽ có thêm nguồn lực đầu tư" - ông Đức nhận xét.

Ông Lê Ngọc Đức cũng cho rằng hiện ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang bước vào thời kỳ vàng khi tỉ lệ sở hữu xe trên dân số còn thấp so với các nước trong khu vực. "Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô nhưng chưa đủ mạnh và chưa sát với thực tế nên chưa thành công. Nếu cơ quan quản lý biết nắm bắt thời cơ hiện tại, có chính sách phù hợp, ngành công nghiệp ôtô vẫn có cơ hội thành công" - ông Đức nhận định.

Theo ông Lê Ngọc Đức, trong bất cứ ngành sản xuất nào, CNHT luôn là gốc rễ quan trọng và cần chính sách đặc biệt. Nếu gốc rễ vững chắc, phần ngọn là khâu lắp ráp, hoàn thiện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Từ đó, quy trình chung để hoàn chỉnh một sản phẩm cũng được vận hành hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn. "Sự hỗ trợ nào cũng rất tốt với tất cả các ngành. Để phát triển, cần có 2 bàn tay cùng chung sức, gồm một bàn tay của DN và một bàn tay trợ lực từ phía nhà nước thông qua các cơ chế hiệu quả" - ông Lê Ngọc Đức nhấn mạnh.

Tuy vậy, không phải DN nào cũng kỳ vọng vào gói tín dụng 100.000 tỉ đồng. Một DN lắp ráp ôtô đánh giá tín dụng không phải là lối ra cho CNHT nói chung và công nghiệp ôtô nói riêng. Mấu chốt nằm ở dung lượng thị trường đủ lớn để DN tăng quy mô sản xuất, đồng nghĩa với tăng cạnh tranh về giá. "Không phải không có lý do khi THACO, VinFast mạnh dạn công bố mục tiêu xuất khẩu ôtô. Bởi ngay cả khi nhu cầu trong nước đang tăng dần thì miếng bánh thị trường cũng chưa đủ hấp dẫn để chia cho nhiều DN. Ngành ôtô đang nghẽn ở chỗ một mặt không có năng lực sản xuất để thỏa mãn thị trường, mặt khác lại không có thị trường hấp dẫn để đầu tư sản xuất hiệu quả" - lãnh đạo DN này phân tích.

Theo các chuyên gia, việc kích thích các gói hỗ trợ cho DN cần được cân nhắc thận trọng bởi đã có nhiều bài học cho thấy các gói hỗ trợ không giúp ích được nhiều. Tư duy giải cứu ngành một cách chụp giật, thiếu căn cơ cũng cần được thay đổi. DN cần môi trường kinh doanh thuận lợi, sự hỗ trợ tổng thể từ thủ tục thành lập DN, tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ thuế, đất đai… thay vì hỗ trợ một khâu trong tổng thể một ngành. Chưa kể, nếu đặt vấn đề hỗ trợ chung cho CNHT, trong đó có ngành công nghiệp ôtô, nhiều khả năng sẽ gây ra sự bất bình đẳng khi có DN không tiếp cận được tín dụng ưu đãi hoặc nguồn tín dụng ưu đãi không đến được tay DN nội mà rơi vào khối FDI vốn đã được ưu ái rất nhiều từ mục tiêu thu hút vốn FDI của nhà nước. 

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM:

Đừng bỏ quên chế tạo máy

Tại Hàn Quốc, từ những năm 1960-1970, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ DN CNHT kèm theo đó là các quỹ phát triển CNHT. Vậy nên, bây giờ Việt Nam lập quỹ quốc gia để hỗ trợ phát triển CNHT là bình thường, quan trọng là quỹ đó xài thế nào? Cách làm thế nào cho hiệu quả? Điều kiện thế nào để DN tiếp cận và hưởng lợi từ chương trình? Ví dụ chương trình kích cầu đầu tư vào CNHT của TP HCM rất tốt về mặt chính sách, hỗ trợ DN rất thiết thực nhưng tiêu chí đưa ra khá khắt khe và thủ tục nhiêu khê nên nhiều DN không tiếp cận được. Đó là chưa kể DN không có vốn đối ứng nên không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, trường hợp vay được rồi thì phải chịu áp lực làm ăn hiệu quả để trả lãi, trả vốn cho nhà nước.

Kế hoạch của Bộ Công Thương, gói tín dụng 100.000 tỉ đồng chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư; bố trí vốn đầu tư xây dựng 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; hỗ trợ tín dụng, xử lý môi trường, tháo gỡ vướng mắc thuế... nhưng không thấy đề cập ngành công nghiệp nền tảng là chế tạo máy. DN sản xuất nào cũng cần sử dụng máy. Bỏ quên ngành chế tạo máy là vô tình bỏ qua nền tảng của vấn đề, trong khi lại tập trung cho ngành ôtô vốn là ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty KIZUNA:

Hỗ trợ trước tiên về không gian

Cốt lõi của ngành công nghiệp là sản xuất. Hỗ trợ DN lĩnh vực này, theo tôi, trước tiên là hỗ trợ cho họ sản xuất hiệu quả nhất để tạo ra sản phẩm chất lượng, từ đó tham gia thị trường.

Để DN sản xuất hiệu quả, ngoài nội lực của từng DN, họ còn rất cần không gian, môi trường sản xuất xung quanh giúp hoạt động thuận lợi. Nhiều DN nhỏ và vừa trong ngành CNHT muốn bắt đầu triển khai hay mở rộng sản xuất dù đã có thị trường nhưng loay hoay hoài không tìm ra không gian sản xuất phù hợp, không dám nghĩ đến phương án vào KCN vì không đủ tiền mua đất, đầu tư nhà xưởng và phải đối diện với nhiều vấn đề thủ tục pháp lý ban đầu mà họ khó tự thực hiện với nguồn lực giới hạn.

Vậy nên, trước nhất cần hỗ trợ tài chính để họ vào các KCN theo mô hình mới với không gian sản xuất xây sẵn phù hợp nhu cầu diện tích với hình thức thuê xưởng hoặc sở hữu một phần không gian xưởng lớn để yên tâm sản xuất lâu dài. Các thủ tục pháp lý ban đầu theo luật định cũng cần các khu nhà xưởng này hỗ trợ thực hiện thay họ.

T.Nhân ghi

Phương Nhung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế