Áp dụng cơ giới hóa vào canh tác góp phần giảm giá thành sản xuất
Trên tinh thần đó, địa phương định hướng duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Theo kế hoạch, diện tích lúa cả năm đạt 60.010ha, sản lượng lúa đạt trên 390.000 tấn; diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt 2.500ha.
Ngoài ra, huyện tiếp tục mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao nhằm đảm bảo tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao chiếm trên 50% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm 70%. Đối với diện tích giảm giá thành là 10.000ha, và diện tích liên kết và tiêu thụ đạt 15.000ha.
Chăn nuôi là một trong những ngành hàng thế mạnh của địa phương, huyện phấn đấu tổng đàn gia cầm đạt 450.000 con; đàn heo đạt 32.000 con; đàn trâu, bò đạt 16.000 con. Riêng tổng sản lượng thủy sản đạt 40.000 tấn.
Nhằm thực hiện đạt những mục tiêu đề ra, địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đối với cây lúa, các địa phương tiếp tục quy hoạch, mở rộng vùng canh tác tập trung theo hướng chất lượng cao, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nhân rộng cánh đồng liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người sản xuất. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cùng nhau hợp tác và chia sẻ lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Căn cứ tình hình thực tế, các xã, thị trấn có điều kiện cần chủ động xây dựng kế hoạch xả lũ lấy phù sa và cải tạo môi trường.
Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa hè thu kém hiệu quả sang canh tác một số loại hoa màu, cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, gắn với liên kết tiêu thụ. Xây dựng, nhân rộng mô hình áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy trình, quy chuẩn VietGAP và tương đương, nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, củng cố, phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu mua.
Đối với phát triển ngành chăn nuôi, huyện tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, khống chế dịch tả heo Châu Phi. Qua đó, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra để người chăn nuôi nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ; từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi tập trung. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo quy trình nuôi an toàn sinh học, nâng cao chất lượng giống, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi mới góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Riêng mặt hàng thủy sản, tăng cường công tác kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Kịp thời phát hiện và xử phạt theo quy định các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đào ao ngoài quy hoạch. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn theo yêu cầu quốc gia nhập khẩu. Huyện phối hợp với ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động người nuôi cá, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại thủy sản và doanh nghiệp chế biến thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị để giảm rủi ro cho sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Nhằm góp phần gián tiếp vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận của người nông dân, huyện tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thủy sản... Đồng thời từng bước áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhằm đảm bảo tính công khai quá trình sản xuất và xử lý khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Hướng đến đầu ra cho nông sản được ổn định, địa phương phối hợp với ngành công thương, nông nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ mới cho nông sản. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường, kịp thời điều chỉnh cơ cấu và quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế cung vượt cầu...