“Lá chắn” cho doanh nghiệp

Thứ năm, 29 Tháng 8 2019 08:31 (GMT+7)
Phát triển bền vững trên cơ sở thượng tôn pháp luật ngày càng được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm và xem đây là cơ hội để nâng cao uy tín, thu hút các nguồn lực đầu tư. Đây cũng là yêu cầu tất yếu để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thiếu thông tin 

Tại buổi Tọa đàm Vinh danh DN, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” với chủ đề “Hỗ trợ pháp lý DN trong xuất nhập khẩu nông, thủy sản” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, hiện ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có một số DN quan tâm tới phát triển bền vững gắn với thượng tôn pháp luật. Đồng thời, đảm bảo chấp hành tốt các quy định của pháp luật, kết hợp với thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Riêng đối với các DN xuất, nhập khẩu thủy sản, nếu không kịp thời cập nhật những quy định, cơ chế, chính sách mới, sẽ vô tình tạo nên rào cản rất lớn trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Mặt khác, nông, thủy sản được xem là ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương và địa phương nên sẽ thường xuyên có những văn bản, chính sách mới để thúc đẩy xuất khẩu phát triển, nếu DN không nắm bắt kịp thời, sẽ phải “chịu thiệt”.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ hiện có gần 8.000 DN, chiếm khoảng 26% tổng số DN của vùng ĐBSCL. Đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy, TP Cần Thơ đã và đang thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào thành phố; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN đến đầu tư. Đồng thời, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Cụ thể hóa vấn đề nêu trên, ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra Sở Công thương TP Cần Thơ, phân tích: “Trong hoạt động thương mại quốc tế nếu DN không nghiên cứu kỹ các vấn đề về pháp lý, không đảm bảo các quy định về chất lượng, không chấp hành đúng các quy định về giao nhận hàng, sản phẩm không phù hợp văn hóa… thì rất dễ xảy ra rủi ro. Ngoài ra, các giải quyết tranh chấp về thương mại thường phức tạp, chi phí cao. Bởi nguyên nhân đôi khi không phải do 2 bên đối tác mà mâu thuẫn xuất hiện từ bên thứ 3 là đơn vị vận tải, đơn vị kiểm định. Đối với các DN xuất khẩu Cần Thơ chủ yếu là nông, thủy hải sản thời gian bảo quản ngắn nếu xảy ra tranh chấp hoặc thực hiện giao nhận không đúng tiến độ về thời gian thì thiệt hại là không hề nhỏ”.

Theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers, việc hiểu biết, nắm bắt, vận dụng các quy định pháp luật của DN còn nhiều hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, ngoài nguyên nhân chủ quan là do DN, doanh nhân chưa thật sự chú trọng vai trò của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu. Nguyên nhân khách quan gồm các yếu tố: Pháp luật kinh doanh, pháp luật xuất nhập khẩu là một lĩnh vực đặc thù đòi hỏi trình độ, chuyên môn chuyên ngành hẹp nên khó tiếp cận, hiểu và vận dụng. Hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu còn phức tạp, thường xuyên thay đổi; các quy định lại có nhiều bất cập, không đảm sự thống nhất, hợp lý, khả thi, minh bạch. Hoạt động xuất nhập khẩu đòi hỏi phải tiếp cận các quy định của luật pháp nước ngoài, các Điều ước quốc tế nhưng hệ thống pháp luật các quốc gia khác nhau có nhiều khác biệt nên khó hiểu biết và vận dụng hiệu quả.

Gỡ vướng

Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay có nhiều mặt tích cực nhưng vẫn còn kém minh bạch, không thống nhất, thiếu tính khả thi. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải chú trọng hơn nữa trong việc hoàn thiện quy định pháp luật kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và là công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ cho DN trên sân nhà và cả trên thị trường ngoài nước.

Tuân thủ pháp luật giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thêm thuận lợi, bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Pháp luật được xem là “lá chắn” bảo vệ quyền và lợi ích của DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Vì vậy, theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cần nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ cho DN phát triển bền vững, trong đó có hỗ trợ pháp lý; phải thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, đưa pháp luật vào hoạt động kinh doanh của DN. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Và việc cần làm hiện nay là phải đưa Nghị định này trở thành một chương trình hỗ trợ thiết thực cho DN. Mặt khác, trong hoạt động thực thi pháp luật, cần hạn chế tình trạng cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu đối với DN để pháp luật thực sự nghiêm minh, là nền tảng cho DN phát triển bền vững.

Theo ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra Sở Công thương TP Cần Thơ, quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra những cơ hội cho DN xuất nhập khẩu tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ... Song song đó cũng đòi hỏi các DN muốn tham gia vào sân chơi lớn phải khắc phục những hạn chế, tồn tại và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường kèm theo đó là phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong sản xuất, trong thương mại quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, ngân hàng đóng vai trò tiếp sức, hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, quyết định cho sự phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả vẫn là nội lực của chính DN trên cơ sở hàng hóa dịch vụ cạnh tranh, chấp hành tốt các quy định trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế