Cần gỡ nút thắt về vốn
Vùng ĐBSCL hiện có gần 55.000 DN thành lập và hoạt động. Theo NHNN, với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối tháng 7-2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỉ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018 và cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 nghìn tỉ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.
DN phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN thừa nhận hoạt động tín dụng đối với DN, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao... trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng,
Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, khẳng định: Hôm nay, NHNN phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - DN vùng ĐBSCL với mục tiêu quan trọng là nhận diện các khó khăn, thách thức cũng như tìm hiểu các nguyên nhân khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong trả nợ vay ngân hàng. Và cùng nhau bàn, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp DN sử dụng vốn vay hiệu quả.
Trên thực tế, DN hoạt động tại ĐBSCL đến 97% là DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế và tiếp cận vốn ngân hàng còn vướng do thiếu phương án tài chính, không có tài sản thế chấp đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi… nên khó thuyết phục ngân hàng. Tại Hội nghị, đại diện các DN doanh nghiệp đang hoạt động tại ĐBSCL trong ngành lúa gạo, thực phẩm, rau quả… mong muốn ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay, đồng hành và chia sẻ cùng DN để DN có thể chủ động hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản toàn cầu. Các DN cũng kiến nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ những khó khăn của DN liên quan đến: quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu… để hỗ trợ cho hoạt động của DN.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm- rau quả An Giang (Antesco), cho biết: “DN ngành nông nghiệp hiện nay thực tế là hiệu quả kinh doanh chưa cao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa hiệu quả. Antesco có 3 nhà máy, công suất chế biến trên 15.000 tấn sản phẩm/năm, chủ lực là rau quả đông lạnh (đậu nành rau, thanh long, nước chanh dây, đu đủ…) và sản phẩm đồ hộp cá tiêu thụ nội địa. Từ năm 2015-2016, công ty mở rộng sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, công ty cũng gặp khó trong tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, nhưng được sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty đã vượt qua khó khăn và đang hoạt động ổn định”. Theo ông Vinh, trong nền kinh tế thị trường, vốn ngân hàng đến kịp thời sẽ giúp DN tối ưu hóa sử dụng vốn và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, DN ngành lương thực, thực phẩm cần vốn lưu động lớn và rất cần sự tiếp sức kịp lúc của ngân hàng. DN cần ngân hàng nguồn vốn vay ưu đãi để DN có nguồn lực cơ cấu sản xuất, thúc đẩy mở rộng thị trường cho DN.
Cam kết đồng hành
Nhiều DN cho rằng, vốn ngân hàng mà mạch máu, hơi thở của DN nhưng để ngân hàng và DN gặp nhau, cùng chung tiếng nói vẫn còn một số lấn cấn. Đơn cử việc triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp có nhiều điểm mới như: tăng hạn mức cho vay, khuyến khích DN đầu tư chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến… nhưng khi DN thực hiện thủ tục, hồ sơ vay vốn thì một số TCTD còn lúng túng trong hướng dẫn DN và DN cũng khó khăn khi tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp theo Nghị định 116.
DN cần sự đồng hành của Ngân hàng và chính quyền địa phương trong hoạt động
Các DN ngành lúa gạo, nông sản chế biến đang hoạt động tại ĐBSCL cũng cho biết, DN có được ưu đãi vốn từ một số ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh thì hạn mức đã hết và DN muốn vay thêm rất khó. Do đó, DN phải chọn vay ngân hàng thương mại ngoài nhà nước và lãi suất cao hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của DN do chi phí vốn cao.
DN kiến nghị để mở rộng vốn tín dụng cho DN ngành nông nghiệp, NHNN cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ tín dụng, tập huấn nghiệp vụ cho họ thẩm định và hiểu rõ ngành nghề mình đang thẩm định. Như đối với con cá, trái cây, con tôm, cây lúa,... cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ từng loại về quy trình sản xuất, phát triển và những rủi ro. Khi họ hiểu được hết thì mới mạnh dạn duyệt hồ sơ cho vay và DN mới có đủ vốn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển.
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, những DN minh bạch tài chính, có dự án kinh doanh khả thi luôn là khách hàng ưu tiên mà các ngân hàng phải tranh giành để cho vay. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Vietinbank, khẳng định: Vietinbank luôn sẵn sàng đồng hành và đối thoại với DN, tại vùng ĐBSCL có những DN được ngân hàng cấp hạn mức đến hơn 1.000 tỉ đồng. Tại ĐBSCL, Vietinbak có 119 chi nhánh và là ngân hàng đi đầu trong kết nối ngân hàng-DN tại vùng về dư nợ cho vay, lãi suất ưu đãi. Thực tế, lãnh đạo địa phương nào xem NHNN chi nhánh tại tỉnh, thành là đơn vị tham mưu để tập hợp các ngân hàng trên địa bàn thì dư nợ cho vay đạt cao và kết nối ngân hàng-DN rất hiệu quả. Do vậy, cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Các DN cũng phải chứng minh mình xứng đáng (kỹ năng quản lý, phương án kinh doanh khả thi, uy tín, minh bạch tài chính) để các ngân hàng cho vay tiền.
Từ phản ánh của DN tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài ngân hàng, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng để giúp cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ và góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.