Nấm rơm được tiểu thương ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ thu mua cho vào bọc chở đi các nơi tiêu thụ.
Ưu tiên dùng hàng Việt
Bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều loại nấm trong nước sản xuất rất tươi ngon giá lại rẻ và an tâm về chất lượng nên tôi thường mua và sử dụng, nhất là nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư, đông cô. Riêng các loại nấm nhập ngoại tôi ít mua sử dụng vì cũng không ngon lắm, lại đắt tiền, có loại khá rẻ nhưng không an tâm về chất lượng”. Theo ông Đoàn Hữu Nghĩa, ngụ khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, trên thị trường bày bán nhiều loại nấm nhập khẩu như: Bào ngư, nấm kim châm, đùi gà, nấm hương… nhưng gia đình ông cũng ít mua sử dụng vì không phù hợp với khẩu vị của gia đình. Loại nấm thường mua và sử dụng nhiều nhất là nấm rơm và nấm mèo do bà con mình trồng, sản xuất với giá rẻ, lại tươi ngon, nhất là nấm bào ngư được sản xuất ngay tại phường Thới An Đông...
Thời gian qua, nông dân đã sản xuất được nhiều loại nấm với số lượng khá lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là nấm rơm và nấm bào ngư, được sản xuất nhiều tại quận Bình Thủy, còn nấm rơm sản xuất tại hầu khắp các quận huyện của thành phố như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… Nấm rơm sản xuất ở TP Cần Thơ không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và cả một số tỉnh, thành ở phía Bắc.
Sản xuất quanh năm
Phường Thới An Đông, quận Bình Thủy là một trong những địa phương phát triển khá mạnh nghề sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư. Tại đây, không chỉ có các hộ sản xuất nấm theo mùa vụ, có nhiều hộ làm nghề chuyên nghiệp, tham gia sản xuất nấm quanh năm. Nhiều người lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng được tạo “công ăn việc làm” nhờ tham gia các công đoạn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nấm.
Bà Phạm Kim The, ngụ khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “6 năm qua, gia đình tôi sản xuất nấm rơm quanh năm và tháng nào cũng có nấm để thu hoạch. Mỗi tháng gia đình tôi mua hơn 1.000 cuộn rơm để chất nấm và có thể đạt sản lượng nấm từ 1-1,5 tấn nấm. Nếu nấm trúng mùa và bán được giá, gia đình tôi có thể kiếm lời được khoảng 30 triệu đồng/tháng, chia cho 3 thành viên trong gia đình, tính ra mỗi người được 10 triệu đồng/tháng. Nấm rơm do nông dân tại Thới An Đông trồng được nhiều người đánh giá ăn rất ngon ngọt và an toàn do trong quá trình sản xuất, không sử dụng phân thuốc. Hiện nấm làm ra bao nhiêu là có thương lái đến tận nơi trồng để thu mua hết”. Trồng nấm rơm có hiệu quả nên, có nhiều hộ dân tại phường Thới An Đông thu mua rơm từ các nơi về để có nguồn nguyên liệu sản xuất và mướn thêm đất tại các địa phương khác để chất nấm quanh năm. Rơm được các máy cuốn rơm cuộn lại thành từng cuộn rất dễ vận chuyển đến nơi chất nấm. Để hỗ trợ nhau trong sản xuất và hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nấm rơm Thới An Đông, được sự khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân trồng nấm rơm cũng đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất nấm rơm tại phường, với sự tham gia của 30 tổ viên.
Phường Thới An Đông cũng đã thành lập tổ sản xuất nấm bào ngư, với sự tham gia của 8 tổ viên và đã xây dựng được thương hiệu tập thể cho sản phẩm “Nấm bào ngư Thới An Đông”, sản phẩm này đã được ngành nông nghiệp thành phố chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn. Theo bà Nguyễn Thị Phấn, chủ Trại nấm Tám Phấn, gia đình bà và một hộ dân khác sản xuất nấm bào ngư có thể cung ứng ra thị trường khoảng 50-60kg nấm các loại/ngày, như nấm bào ngư Nhật, bào ngư xám và bào như trắng. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu nên mới chỉ đáp ứng cho một số chợ, cửa hàng thực phẩm và siêu thị ngay tại địa bàn TP Cần Thơ. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm nấm bào ngư được sản xuất trong nước theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Bên cạnh sản xuất nấm thành phẩm, hiện Trại nấm Tám Phấn còn sản xuất phôi cung ứng cho người dân tại các tỉnh ĐBSCL tham gia phát triển sản xuất nấm bào ngư.
Ông Hà Quốc Hữu, Chủ tịch UBND phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: Tiềm năng để phát triển sản xuất các loại nấm bào ngư và nấm rơm tại phường Thới An Đông và các địa phương trên địa bàn thành phố là rất lớn do cung vẫn chưa đủ cầu. Phường tiếp tục tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan để có các hỗ trợ cần thiết nhằm giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất. Phường cũng định hướng củng cố các tổ hợp tác sản xuất nấm, phát triển thành hợp tác xã để thuận lợi trong chuyển giao kỹ thuật, kết nối với nhà tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Thời gian qua, giá các loại nấm rơm và nấm bào ngư luôn ở mức cao đã giúp nông dân trồng nấm có được nguồn thu nhập khá tốt. Giá nấm rơm thường xuyên ổn định từ 42.000-50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 60.000-70.000 đồng/kg đối với nấm rơm loại 1, nhất là vào các dịp lễ, Tết và ngày Rằm. Còn giá các loại nấm bào ngư dao động ở mức khoảng 30.000- 40.000 đồng/kg.
Cần Thơ được đánh giá còn nhiều triển vọng để phát triển sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư và nhiều loại nấm khác do nhu cầu tiêu thụ các loại nấm trên thị trường ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nấm tại địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Các ngành chức năng thành phố cần quan tâm có định hướng và hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất để đảm bảo sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao, sản phẩm có thể dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị và kênh bán hàng hiện đại. Đồng thời, khuyến khích người dân ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm nấm sản xuất trong nước, tăng cường công tác thông tin, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.