Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo thống kê đến hết tháng 8-2019, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ của TP Cần Thơ ước thực hiện 179,13 triệu USD, tăng 2,16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 140,11 triệu USD, dịch vụ thu ngoại tệ trên 39 triệu USD. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu với sản lượng tăng, trong tháng 8-2019 đạt 113.270 tấn, tăng trên 9% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 347,56 triệu USD, nhưng giảm 6,7% so với cùng kỳ; gạo xuất khẩu với 550.970 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 239 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ; hàng may mặc xuất khẩu đạt 143,66 triệu USD, tăng 13% so cùng kỳ; nông sản chế biến đạt 93,78 triệu USD, tăng 23,9%; sắt thép, sản phẩm từ thép đạt 18,3 triệu USD, tăng 11,5%… Lũy kế 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện 1.457,25 triệu USD, đạt 66,2% kế hoạch năm và tăng 7,3% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "8 tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm, giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017-2018 (gạo, thủy sản). Đồng thời, các yếu tố rủi ro, thách thức cũng ngày càng gia tăng, bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; vấn đề căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc; rủi ro đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá… đã ảnh hưởng đến họat động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố và cả nước".
Cũng theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thị trường Trung Quốc, ngoài nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam yếu đi, những thay đổi chính sách từ trao đổi biên mậu sang chính ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm qua đường chính ngạch cũng đã có tác động nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam và TP Cần Thơ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, cả Mỹ và Trung Quốc đều đặt ra những rào cản kỹ thuật gắt gao hơn đối với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang hai thị trường này; Mỹ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ từ Việt Nam đối với các mặt hàng mà Việt Nam và Trung Quốc đều xuất sang Mỹ.
Đối với mặt hàng thủy sản, thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra áp dụng tương đối tốt các quy định mới về xuất khẩu cá tra sang Mỹ và tiếp tục duy trì được với các khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, cũng chuyển hướng sang các nước Nam Mỹ, châu Phi; mặt hàng tôm xuất khẩu sang các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…) tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá xuất khẩu thủy sản giảm so với các năm 2017, 2018. Giá cá tra nguyên liệu giảm liên tục từ đầu năm đến nay, hiện giá cá tra được các nhà máy và thương lái mua khoảng 19.000-20.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2019 là 30.000-31.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng.
Những tháng đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo cũng không thuận lợi, do các thị trường đồng loạt giảm nhập khẩu. Điển hình thị trường Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm doanh nghiệp không ký được hợp đồng do phía Trung Quốc đang kiểm tra các doanh nghiệp đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc về năng lực, máy móc chế biến… Các thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp TP Cần Thơ, như: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Papua New Guinea... cũng rất khó xuất hàng vào do phía Trung Quốc đẩy mạnh bán gạo tồn kho với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gạo đã nắm bắt được sự thay đổi chính sách nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines và đã mở rộng được thị trường này; đồng thời, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo tăng thêm 7 doanh nghiệp so với 2018 (hiện có 41 doanh nghiệp có giấy phép) nên lượng gạo xuất khẩu không giảm và kim ngạch giảm ít. Hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu gạo sang Philippines, Iraq, Trung Quốc và châu Phi. Nhiều nước châu Phi cũng đã tăng nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam, như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique...
Giải pháp thúc đẩy
Theo nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông thủy sản ở TP Cần Thơ, trong năm 2018 thị trường Mỹ đã nhập khẩu cá tra dự trữ, lượng tồn kho còn nhiều, do đó các tháng đầu năm 2019 có nhu cầu nhập khẩu ít. Nhưng, từ đây đến cuối năm 2019, lượng tồn kho giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản cho các dịp lễ, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch có thể tăng lên ở các thị trường EU, Mỹ, Brazil và các nước Nam Mỹ khác, do đó doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang các thị trường này. Đối với mặt hàng tôm doanh nghiệp tiếp tục duy trì thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường Mỹ…
Mô hình nuôi cá tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được áp dụng thực hiện tại TP Cần Thơ.
Mới đây (ngày 21-8-2019), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố thuế suất tôm Việt bán vào Hoa Kỳ cho hai bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp tôm còn lại là 0%. Đây là kết quả được xem xét hành chánh lần thứ 13 của DOC. Theo đó, mức thuế của hai bị đơn bắt buộc Công ty Sao Ta là 0%, Công ty Nha Trang Seafood là 0% và các doanh nghiệp còn lại là 0%. Với mức thuế này là một tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam, đồng thời là động lực tốt để các thương nhân tôm Việt Nam tiếp tục phát triển chăn nuôi, kinh doanh. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường tôm ở ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. Dự báo sắp tới sản phẩm tôm của doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước bán vào Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng nhanh…Tuy nhiên, dù có lợi thế nhưng sắp tới các doanh nghiệp tôm sẽ duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải, phù hợp với thị trường Hoa Kỳ, nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai...
Những tháng cuối năm 2019, Sở Công thương TP Cần Thơ tích cực tuyên truyền cho doanh nghiệp các lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định mới CPTPP (Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và Hiệp định EVFTA (Thương mại tự do Việt Nam- EU) bằng nhiều hình thức để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội; lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, từ đó khai thác tốt hơn nữa các thị trường đã ký các Hiệp định thương mại tự do; phối hợp với các cơ quan liên quan chống gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam, mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất sang nước khác nhằm tránh thuế…
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngoài các hoạt động trên, chúng tôi tích cực thông tin về các sự kiện xúc tiến thương mại quốc gia để doanh nghiệp tham gia, khuyến khích doanh nghiệp ngoài việc tập trung xúc tiến thương mại các thị trường truyền thống cũng cần quan tâm xúc tiến các thị trường mới nổi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật thông tin từ các thương vụ ở nước ngoài về tình hình thị trường, nhu cầu nhập khẩu để phổ biến đến doanh nghiệp; tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, duy trì đường dây nóng về thực hiện thủ tục này… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu".