Lo lắng vì giá nông sản giảm...

Thứ ba, 10 Tháng 9 2019 08:26 (GMT+7)
Năm nay, nông dân sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, thời tiết bất lợi và dịch bệnh, nhất là bệnh tả heo châu Phi. Đặc biệt, giá nhiều loại nông sản như: lúa gạo, cà phê, giá heo hơi, cá tra nguyên liệu… cũng giảm thấp so cùng kỳ khiến nông dân không có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ nặng.

Hiện nhiều loại trái cây và nông sản nói chung được tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi, thô. Trong ảnh: Trái cây được thu mua,tập kết tại một vựa thu mua trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Hiện nhiều loại trái cây và nông sản nói chung được tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi, thô. Trong ảnh: Trái cây được thu mua,tập kết tại một vựa thu mua trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Nhiều nông dân trồng lúa ở ĐBSCL cho biết, mỗi vụ lúa kéo dài khoảng 3 tháng nhưng những vụ lúa gần đây họ chỉ có thể kiếm lời được khoảng 1-2 triệu đồng/công, thậm chí thấp hơn. Nguyên nhân do giá lúa trong vụ đông xuân 2018-2019, hè thu và cả vụ thu đông 2019 đang mới bắt đầu bước vào thu hoạch tại một số địa phương đều ở mức thấp hơn so cùng kỳ năm trước từ 700-1.000 đồng/kg trở lên. Nhiều nông dân còn bị thất thu “kép” bởi lúa đạt năng suất thấp vì ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Theo nhiều hộ dân nuôi cá tra, liên tục trong khoảng 3-4 tháng qua, giá cá tra chỉ còn ở mức 19.000-21.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng trên dưới 15.000 đồng/kg so với thời điểm giá tăng cao kỷ lục trong năm 2018. Với mức giá trên, nhiều hộ nuôi cá tra bị lỗ vốn từ 3.000-5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Tình cảnh của các hộ chăn nuôi heo cũng không mấy khó khăn không kém do giá heo hơi trong những tháng qua có nhiều thời điểm giảm hơn 20.000 đồng/kg so với những tháng cuối năm trước, xuống chỉ còn ở mức 28.000-35.000 đồng/kg và nhiều đàn heo cũng bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, giá nhiều loại nông sản giảm không chỉ do giá và đầu ra xuất khẩu có những biến động bất lợi, mà còn bởi sự cạnh tranh giữa hàng hóa nội địa với hàng nhập khẩu ngay tại “sân nhà” ngày càng gay gắt. Đời sống được nâng cao, tâm lý tiêu dùng của người dân cũng có sự thay đổi, tác động đến sức mua hàng hóa. Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng trong nước đã quan tâm sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Quan tâm nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh nên đã tăng cường sử dụng các loại nông sản hữu cơ và nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Hiện nay, người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội lựa chọn giữa mua hàng trong nước với hàng nhập khẩu do quá trình phát triển sản xuất và mở cửa hội nhập quốc tế.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 169,98 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 3,4 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thủy sản đạt 5,4 tỉ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỉ USD, giảm 6%; các mặt hàng hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm, trong đó hạt điều đạt 2,1 tỉ USD, giảm 9,4% (lượng tăng 15,8%), gạo đạt gần 2 tỉ USD, giảm 14,2% (lượng tăng 0,1%), hạt tiêu đạt 571 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 27,9%). Đặc biệt, mặt hàng cà phê giảm mạnh cả về kim ngạch và lượng, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỉ USD, giảm 20% (lượng giảm 10,3%).

Để giá cả đầu ra các loại nông sản của nước ta tốt hơn trong thời gian tới, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng phải kịp thời tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh xuất khẩu và quan tâm khai thác tốt hơn thị trường nội địa. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa. Tích cực và chủ động trong  kết nối doanh nghiệp, nhà tiêu thụ với nông dân tại các vùng sản xuất nông sản để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các loại nông sản thu hoạch rộ trong thời gian ngắn. Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường gắn với nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, có giải pháp ngăn chặn các loại nông sản nhập lậu, nông sản nhập ngoại kém chất lượng và việc buôn bán hàng nhập ngoại giá rẻ “đội lốt” hàng Việt và gian lận về xuất xứ nói chung. Song song đó, ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân  tổ chức lại sản xuất các loại nông sản theo hướng gắn sát với nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan để đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường và linh động trong việc cân đối cung-cầu. Chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng và giá bán để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích chứ không nên chạy theo mục tiêu số lượng, sản xuất ra nhiều nhưng bán giá rẻ. Đồng thời, tăng cường năng lực thu mua, bảo quản, chế biến và phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ nông sản để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, thô và giúp mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Bài, ảnh: Khánh Trung - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế