Theo đuổi sản xuất gạo sạch

Thứ tư, 18 Tháng 9 2019 16:16 (GMT+7)
Sản xuất gạo sạch đang được xem là hướng đi bền vững của nhà nông. Tại huyện Vĩnh Thạnh, việc sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn đã và đang phát triển mạnh. Năng suất lúa trồng theo hướng hữu cơ an toàn đạt cao, lợi nhuận tăng lên… đã tiếp thêm động lực cho nhiều bà con nông dân.

Lãnh đạo HND thành phố và lãnh đạo sở ngành đánh giá cao chất lượng gạo sạch của HTX Nông nghiệp sạch Thạnh Đạt. 

Tháng 8 vừa qua, Hội Nông dân (HND) TP Cần Thơ phối hợp tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Thạnh Đạt. Được thành lập từ tháng 6-2016, HTX Nông nghiệp sạch Thạnh Đạt có 157 thành viên; trong đó có 12 thành viên trong Hội đồng quản trị. Những năm qua, các thành viên trồng lúa theo tiêu chí sạch trên tổng diện tích 360ha với các giống lúa gạo chủ lực hiện nay: Ngọc đỏ hương dứa, Đài thơm 8,...

Ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của HTX Nông nghiệp sạch Thạnh Đạt, chia sẻ: “Sản xuất theo tiêu chí sạch là đảm bảo không sử dụng thuốc hóa học. Hiện nay, HTX Nông nghiệp sạch Thạnh Đạt có 12 thành viên sản xuất gạo sạch với tổng diện tích 52ha. Tham gia HTX, bà con xã viên có được nhiều lợi ích: giảm giá thành chi phí bơm nước, khâu cày xới rẻ hơn 20% so với bên ngoài… Thông qua việc quảng bá gạo sạch, vừa qua, đã có công ty đến bao tiêu 25ha giống Đài Thơm 8 của HTX”. Theo ông Quang, việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là tín hiệu vui, động viên tinh thần bà con xã viên tiếp tục phát triển diện tích trồng lúa theo hướng an toàn. Dự tính, giống Ngọc đỏ hương dứa được chú trọng tăng diện tích trồng.

Gia đình ông Quang đang trồng lúa an toàn với diện tích 5ha. Nhiều năm qua, gia đình ông trồng lúa an toàn với nhiều giống lúa khác nhau. Ông Quang bộc bạch: “Mấy năm qua, tình hình chung do giá cả bấp bênh nên thu lợi không cao. Tính riêng lợi nhuận vụ Đông xuân, tôi thu được 145 triệu đồng, vụ hè thu được 105 triệu đồng; thấp hơn so với thời diểm trước. So với gạo thường, gạo sạch có giá cao hơn gấp đôi. Qua đó, tôi mong muốn, sau khi được nhận Giấy chứng nhận nhãn hiệu này, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con xã viên tăng diện tích sản xuất lúa an toàn, phát triển HTX”.

Cũng là một thành viên trồng lúa an toàn từ những ngày đầu HTX được thành lập đến nay, chú Võ Thanh Tấn, ngụ tại ấp Qui Lân 7, xã Thạnh Qưới, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 2ha, bình quân mỗi năm trồng 3 vụ lúa theo tiêu chuẩn an toàn, toàn bộ sử dụng phân hữu cơ. Mỗi vụ, ngoài giống ngọc đỏ hương dứa, tôi cũng luân phiên xuống các giống khác nhau. Từ khi tham gia HTX, ngoài nhiều lợi ích trong việc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tôi còn được HND huyện và Phòng Nông nghiệp hướng dẫn tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy năng suất gạo sạch thấp hơn gạo thường nhưng giá cả khá cao. Riêng gia đình tôi đang bán được gạo sạch với giá 20.000 đồng/ký. Bình quân mỗi năm tôi thu lời 200 triệu đồng nên kinh tế khá ổn định, có điều kiện nuôi con cái học hành thành đạt”.

Theo HND huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện còn có các điểm trồng lúa theo hướng an toàn khác: Tổ hợp tác Gạo My Hậu (xã Vĩnh Trinh) và gạo Khang Việt (xã Thạnh Tiến). Hiện nay, HND huyện cũng đang xúc tiến việc đăng ký nhãn hiệu, nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu gạo sạch với nhiều hình thức. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Song song với việc quan tâm hỗ trợ vốn vay cho bà con, Hội tăng cường công tác phối hợp với Phòng Nông nghiệp để tổ chức nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật cho bà con, hỗ trợ tìm đầu mối bao tiêu sản phẩm... nhằm hỗ trợ và khuyến khích bà con thực hiện sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng nông sản đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”. 

Bài, ảnh: Hồng Vân - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế