Đối mặt thách thức
Với vị trí, vai trò đặc biệt, ĐBSCL có thể mạnh trong phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất và chế biến nông sản. Tuy nhiên, sự phát triển này còn thiếu bền vững và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đưa ra 6 nhóm vấn đề đã và đang là những cản ngại đối với sự phát triển bền vững của vùng. Bao gồm: việc mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng còn rất chậm, thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối, liên thông; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu; dịch vụ logistics chậm phát triển; liên kết giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác trong cả nước còn lỏng lẻo; doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp còn ít, manh mún, nhỏ lẻ; khai thác nước mặt, nước ngầm đang làm cho ĐBSCL khan hiếm nước ngọt, sụt lún mặt đất.
Thực tế cho thấy, trong khoảng 2 thập niên vừa qua, các dấu hiệu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng lúc càng thể hiện rõ hơn; nhiều hiện tượng thiên tai, thời tiết thất thường được ghi nhận. Sự thay đổi thất thường của thiên nhiên đã gây nên những tổn thất về năng suất, sản lượng và làm gia tăng chi phí cho đầu tư sản xuất nông nghiệp. "ĐBSCL đang đối mặt với các vấn đề về thay đổi, đặc biệt là tài nguyên nước, bao gồm diễn biến lũ lụt vào mùa mưa, xâm nhập mặn vào mùa khô song song với tình trạng sụt lún, sạt lở ngày một gia tăng. Tháng 11-2017, khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), Chính phủ đã chỉ rõ việc xây dựng một đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững không phải là một lựa chọn mà là điều bắt buộc"- Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), mặc dù là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng tăng trưởng khu vực nông nghiệp thường bị giới hạn. Điều này liên quan đến điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và thị trường; suất sinh lợi khu vực nông nghiệp thấp, rủi ro cao; vốn đầu tư vào nông nghiệp hiện nay quá ít; thể chế, chính sách cho nông nghiệp còn nhiều bất cập. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng của nông nghiệp đạt 2,4%, thấp hơn mức 3,93% của 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy khả năng lớn là năm 2019 sẽ đạt dưới mức 3%. Nhiều ý kiến cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang thực thi mang đến nhiều cơ hội cho sản phẩm nông, thủy sản của vùng. Tuy nhiên, thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại là sức ép cạnh tranh, các rào cản thuế quan bị dỡ bỏ; các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên khắt khe hơn. Đây là những trở ngại lớn để nông sản vùng ĐBSCL xâm nhập, mở rộng thị trường.
Lúa gạo, thủy sản, trái cây là những sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại một "Cánh đồng lớn" trên địa bàn TP Cần Thơ.
Lấy Nghị quyết 120 làm kim chỉ nam
Nhiều chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần lấy Nghị quyết 120 làm kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển. Nội dung cốt lõi được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lưu ý trong Nghị quyết 120 là tinh thần "thuận thiên" - phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tháng 4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 417/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120. Theo đó, Chương trình đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính: rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư và phát triển hạ tầng…
Để Nghị quyết 120 triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: Các tỉnh, thành trong vùng cần tiến hành rà soát những quy hoạch, kế hoạch cũ không còn phù hợp hoặc trái với Nghị quyết để dừng thực thi. Đặc biệt cần xem xét kỹ lưỡng đối với các công trình lớn, kinh phí cao, có ảnh hưởng và tác động đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên của vùng. Các địa phương trong vùng kiên quyết không cho mở rộng các vùng đê bao triệt để nhằm duy trì và khôi phục các vùng trữ nước ngọt mùa mưa lũ. Đồng thời, giảm số nhà máy nhiệt điện than, khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, sóng biển, thủy triều…
Trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đã và đang bắt đầu có hiệu lực cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước. Do đó, cần có những mô hình mới để đa dạng cấu trúc; các mô hình quy mô lớn, hiện đại ứng dụng công nghệ cao tạo hiệu ứng lan tỏa. Nông nghiệp ĐBSCL cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường; đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp ở các khía cạnh như: ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện hạ tầng, đào tạo kỹ năng cho nông dân… "Nếu chúng ta tiến hành đào tạo cho 3,5 triệu hộ liên quan đến hơn 10 triệu lao động sẽ mang lại hiệu quả cực lớn cho những thay đổi trong nông nghiệp. Vấn đề là hoạch định lại chương trình đào tạo và phải rộng đường cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh" - Tiến sĩ Võ Hùng Dũng nói.