Chị Hoàng Oanh (quận Bình Tân, TP HCM) nhiều lần gọi hỏi chúng tôi về dự án mà gia đình chị đã mua của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng bất động sản Hưng Thịnh (tỉnh Long An) nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa xuất hiện và hàng trăm khách hàng đang đứng ngồi không yên vì không biết tiền mình bỏ ra mua đất nền tại đây khi nào mới có.
Anh Thanh Tâm (quận Gò Vấp, TP HCM) bộc bạch: "Dự án đất nền ở Bình Dương mà vợ chồng tôi đang tìm hiểu mấy tuần qua, định đặt cọc mua nhưng nay phải dừng lại bởi chưa rõ lắm tính pháp lý. Chắc sắp tới, tôi phải nhờ luật sư tìm hiểu rồi mới quyết định".
Tổng giám đốc một doanh nghiệp khá uy tín, đang phân phối vài dự án đất nền ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sau khi Công ty Địa ốc Alibaba đổ bể, dự án công ty của ông đang triển khai đã có thủ tục pháp lý rõ ràng, 100% lên thổ cư, đã đóng tiền sử dụng đất và đang đợi nghiệm thu cơ sở hạ tầng để được cấp sổ đỏ nhưng công ty vẫn không dám ký hợp đồng góp vốn, bởi khách hàng chỉ giao dịch khi thấy sổ đỏ.
Một dự án đất nền trái phép của Công ty Alibaba ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị chính quyền địa phương cưỡng chế, tháo dỡ Ảnh: BÍCH NGỌC
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận từ trước đến nay, doanh nghiệp làm ăn như Công ty Địa ốc Alibaba không phải hiếm. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm, bắt tạm giam lãnh đạo Công ty Địa ốc Alibaba thì đồng loạt khách hàng lo ngại khi tính đến chuyện mua đất nền dự án. Qua sự việc của Công ty Địa ốc Alibaba, doanh nghiệp làm ăn bất chính "thụt vòi", doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì cầm cự để chờ thời.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo địa phương trở nên thận trọng hơn trong việc ra các quyết định liên quan đến thủ tục đất đai, dẫn đến nguồn cung đất nền gặp khó khăn. "Phải chi cơ quan quản lý mạnh dạn tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sớm triển khai dự án thì nguồn cung cho thị trường sẽ ổn định, tránh được tình trạng sốt đất nền như thời gian qua dẫn đến doanh nghiệp làm dự án "ma" có cơ hội thao túng" - ông Hoàng phân tích.