Sản xuất quy mô, tập trung
Rau muống là loại cây dễ trồng, nhanh thu hoạch và thị trường có nhu cầu tiêu thụ nhiều nên nông dân tại Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã tập trung phát triển trồng chuyên canh loại rau này. Hiện mỗi tháng, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau muống.
Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: "HTX có 10 thành viên, với diện tích canh tác 5,5ha, tăng hơn 2ha so với thời điểm mới thành lập HTX vào năm 2010. Mỗi lứa rau muống tính từ ngày gieo hạt đến thu hoạch khoảng 18 ngày, với năng suất trung bình 25 tấn/ha, mỗi năm trồng từ 12-13 lứa rau. Nông dân trồng rau muống có thể đạt mức lời khoảng 900-975 triệu đồng/ha/năm". Theo UBND phường Thới An, quận Ô Môn, ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An có khoảng 60 hộ trồng rau muống, với tổng sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh, thành miền Đông Nam bộ khoảng 540 tấn/tháng, tương đương 18 tấn/ngày. Góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động tại địa phương.
Bà Trần Thị Hồng Yến, Phó Trưởng Phòng kinh tế, quận Ô Môn, cho biết: "Ô Môn có khoảng 700ha trồng rau các loại ước sản lượng 10.500 tấn, trong đó rau ăn lá 280ha, ước sản lượng 4.040 tấn, chủ yếu các loại như: rau muống, cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau nhút… diện tích sản xuất rau hằng năm có xu hướng tăng dần. Quận đã xây dựng mạng lưới trung gian, cung cấp cho các sạp, hộ kinh doanh rau tại các chợ. Ngoài ra, cũng bán ở siêu thị, bếp ăn, công ty… nhìn chung các kênh phân phối này đảm bảo chất lượng tốt và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm".
Tại nhiều quận, huyện khác của thành phố như: Bình Thủy, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai… chính quyền cũng hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng chuyên canh trồng rau màu theo hướng an toàn, với diện tích khá lớn. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, quận đã hình thành các vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn ở 8 phường với tổng diện tích 103,79ha, tăng 17,33ha so với cùng kỳ. Đến nay, đã có 21,97ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm tại 1 HTX và 5 tổ hợp tác sản xuất các chủng loại như: hẹ, cải các loại, dưa leo, ớt, bí đao, khổ qua... Thời gian qua, quận đã phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân xây dựng được 7 nhà lưới trồng rau an toàn với tổng diện tích 4.000m2, ngoài ra người dân cũng tự đầu tư được một số nhà lưới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, qua gần 9 tháng đầu năm 2019, thành phố gieo trồng rau các loại được 10.494ha, cao hơn 1.173ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 8.601ha. Năm qua, diện tích trồng rau các loại của Cần Thơ đạt hơn 11.320ha, với sản lượng hơn 432.230 tấn.
Quy hoạch sản xuất
Thời gian qua Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã quan tâm công tác quy hoạch sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường liên kết, xây dựng các vùng sản xuất rau tập trung. Thành phố cũng chú trọng xây dựng và mở rộng vùng trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao, trong đó trước hết thực hiện quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp sản phẩm có thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Quy hoạch chi tiết vành đai thực phẩm TP Cần Thơ và triển khai nhiều chương trình, đề án như: đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đề án phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi an toàn… Mục tiêu đến năm 2020, thành phố hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô 750ha, triển khai trên 75 mô hình tại các địa phương.
Sản xuất rau muống tại Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Những năm gần đây, diện tích trồng rau từng bước phát triển theo vùng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn. Ngành chức năng đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật và có nhiều hỗ trợ khác giúp nông dân phát triển trồng rau hiệu quả. Bà con được tiếp cận và thực hiện nhiều mô hình canh tác tiên tiến như: trồng rau trong nhà lưới, áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động, sử dụng màng phủ nông nghiệp... giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu.
Song, việc sản xuất và tiêu thụ rau hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mối liên kết giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ, sản xuất còn tình trạng manh mún nhỏ lẻ, chất lượng chưa ổn định. Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền, ở quận Bình Thủy, cho biết: "Các HTX trồng rau khó đưa hàng vào bán tại siêu thị do họ đòi hỏi phải có sản phẩm liên tục, với chất lượng ổn định và đa dạng rất nhiều loại rau. Từng nông dân và HTX riêng lẻ khó đáp ứng yêu cầu, cần phải liên kết chặt chẽ lại với nhau. Để có thể đẩy mạnh đưa rau vào bán trong siêu thị và cung cấp cho các bếp ăn tập thể, tăng cường liên kết với các đơn vị liên quan, gần đây HTX chúng tôi còn sản xuất thêm nhiều loại rau ăn lá. HTX có 18 thành viên, với diện tích hơn 6ha, mỗi năm có thể sản xuất trên 450 tấn rau các loại, trong đó có hơn 15% lượng rau làm ra đã được cung cấp cho các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp và các trường học".
Theo ông Trần Minh Trí ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, do các sản phẩm rau an toàn còn khó đưa vào bán với giá cao tại siêu thị hay các kênh bán hàng riêng mà chủ yếu được bán cho thương lái như rau được sản xuất theo quy trình thông thường nên không ít nông dân chưa tích cực tham gia sản xuất rau an toàn. Ngành chức năng cần kịp thời hỗ trợ người dân tháo gỡ vướng mắc này, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm rau an toàn và nơi sản xuất để người tiêu dùng biết, ủng hộ sản phẩm.