"Chọn nhà đầu tư nội làm đường cao tốc Bắc - Nam: Không hạ chuẩn!" - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT cuối tháng 9 vừa qua khi đề cập vấn đề tiếp tục triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Chưa phù hợp
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Thay vào đó, sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án trên.
Chỉ 4 tháng công bố đấu thầu quốc tế các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT buộc phải thay đổi kế hoạch. Có lẽ ở thời điểm công bố, Bộ GTVT không nghĩ sẽ vấp phải làn sóng phản biện của các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, kinh tế - xã hội và người dân thông qua các phương tiện báo chí mạnh mẽ đến như vậy. Các ý kiến không phản đối, thậm chí ủng hộ đấu thầu quốc tế nhưng thẳng thắn chỉ ra rất nhiều bất cập trong điều kiện đấu thầu mà với những điều kiện đó, doanh nghiệp (DN) trong nước không có bất cứ cơ hội nào để được góp công vào một dự án lớn của đất nước.
Đoạn La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng thành đường cao tốc Ảnh: QUANG TÁM
Việc hủy hồ sơ đấu thầu quốc tế cho thấy việc chưa tháo gỡ đúng trọng tâm vướng mắc. Không loại trừ khả năng thông điệp "Chọn nhà đầu tư nội làm đường cao tốc Bắc - Nam: Không hạ chuẩn!", đồng thời khẩn trương hoàn thành hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi để phát hành hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư vào tháng 10-2019 có thể lại là một bước đi chưa phù hợp của bộ chủ quản.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước, đã phải kêu lên: "Không hạ chuẩn thì chẳng DN trong nước nào đủ điều kiện!". Ông Trần Văn Thế đặt giả thiết các nhà đầu tư trong nước thực hiện 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì ngân hàng (NH) trong nước cũng không có khả năng cung cấp tín dụng. "Hiện nay, nhiều NH cho biết đã chạm trần mức cho vay trong lĩnh vực BOT, lãi suất huy động cho vay cao, các bất cập trong chính sách làm cho NH lo lắng dẫn đến việc bảo lãnh đấu thầu, giải ngân tín dụng là không đơn giản" - ông Trần Văn Thế nói.
Nhà đầu tư trong nước gặp khó
Dẫn ví dụ về bế tắc nguồn vốn tín dụng tại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện một DN đầu tư hạ tầng giao thông cho biết dự án này đã được ghi vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đã tham gia 30%, giải phóng mặt bằng hoàn thành 100%, lưu lượng ước đạt trên 20.000 xe/ngày đêm, hợp đồng tín dụng đã ký với NH đầu mối là VietinBank cách đây 1 năm, hôm 27-9 vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến thăm và tái khẳng định phải hoàn thành dự án trong năm 2021. Dù vậy, thái độ lấp lửng hoặc điều kiện cho vay khó khăn của NH khiến cho đến nay vẫn chưa rõ bao giờ mới giải ngân được. Từ đó, vị lãnh đạo này nêu thực tế khi NH nói không với BOT thì nhà đầu tư không còn cách nào khác cũng sẽ nói không với đường cao tốc Bắc - Nam.
Ở khía cạnh điều kiện đấu thầu, chuyên gia Võ Hoàng Anh, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP (TEDI), cho rằng Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP đã quy định phần vốn chủ sở hữu, năng lực nhà đầu tư nếu áp dụng cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam thì ở ngưỡng 11%-12%. Chiếu theo quy định tại nghị định đưa vào dự án này thì phần vốn nhà đầu tư khá thấp, trong khi điều kiện dự thầu hiện quy định vốn chủ sở hữu 20%, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư trong nước gặp những khó khăn nhất định. "Trong một liên danh, tiêu chí kinh nghiệm nên là tổ hợp của kinh nghiệm các nhà đầu tư chứ không phải kinh nghiệm riêng rẽ của một nhà đầu tư. Thay vì được cộng tiêu chí để các nhà đầu tư trong nước có thể liên danh với nhau một cách thuận lợi thì hiện nay lại chưa có điều khoản mở cho tiêu chí ấy" - ông Võ Hoàng Anh nêu ý kiến.
Kết hợp trong và ngoài nước
Việc đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 654 km mà số vốn huy động từ các nhà đầu tư chỉ khoảng 50.000 tỉ đồng, từ góc nhìn của một chuyên gia tài chính, ông Võ Hoàng Anh nhận định đây là một dự án hiệu quả nếu biết kết hợp hài hòa các thế mạnh trong và ngoài nước. "Các tuyến đường cao tốc khác, nhà đầu tư bỏ ra gần chục ngàn tỉ đồng cho việc khai thác chỉ khoảng vài chục đến dưới 100 km mà vẫn đầu tư được, có hiệu quả" - ông Võ Hoàng Anh nói. Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vừa thông xe hôm 29-9, chỉ sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, là một minh chứng cho điều đó.
Ông TRẦN VĂN THẾ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả:
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Việc hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đấu thầu trong nước là tin vui đối với nhiều DN trong nước vì họ có nhiều cơ hội tham gia đầu tư công trình quan trọng này. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ tiếp bởi không phải hủy thầu quốc tế là các nhà đầu tư nội sẽ làm được ngay.
Hiện nay, sau khi hủy đấu thầu quốc tế, chuyển sang lựa chọn đấu thầu rộng rãi trong nước, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại tiêu chí đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư sao cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt là phải tham vấn các nhà đầu tư cũng như ý kiến của ngành NH. Bởi nếu đấu thầu trong nước mà vẫn giữ nguyên các tiêu chí như đấu thầu quốc tế trước đó thì nhiều khả năng việc đấu thầu sẽ tiếp tục thất bại vì sẽ rất ít nhà đầu tư tham dự. Nếu cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ GTVT, không thay đổi tiêu chí đấu thầu cho phù hợp với thực tế thì đây là một chính sách thiếu thực tiễn, không đi vào cuộc sống.
Vấn đề nữa là một số NH thương mại có kết quả kinh doanh, lợi nhuận lớn nhưng chưa mặn mà tham gia tài trợ vốn cho các đầu tư hạ tầng, thậm chí nói không với các dự án hạ tầng giao thông. Do đó, để tháo gỡ nút thắt về vốn, trong tiêu chí đấu thầu ngay từ đầu cần phải có sự vào cuộc của ngành NH. NH thường sẽ tài trợ 70%-80% nguồn vốn của dự án, do đó nếu không có sự vào cuộc của NH bằng những quy định, chính sách cụ thể, rất khó có thể triển khai các dự án hạ tầng giao thông BOT.
PGS-TS TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam:
Thay đổi tiêu chí đánh giá nhà đầu tư
Để chọn được các nhà đầu tư trong nước phù hợp với các gói thầu thì tới đây, các tiêu chí đấu thầu và quá trình đấu thầu phải minh bạch, đấu thầu xong phải công khai.
Nhà nước nên xem xét thay đổi các tiêu chí đánh giá nhà đầu tư như chấm điểm 60% về vốn, 30% về kinh nghiệm, 10% về tổ chức thi công để thu hút các DN trong nước tham gia. Thời gian qua, nhiều DN muốn đấu thầu đầu tư song không đạt về vốn, kinh nghiệm.
Yếu tố về vốn, cần có chính sách của nhà nước để giải quyết vấn đề tín dụng cho các dự án. Hiện một số quốc gia có chính sách tín dụng cho các dự án đường cao tốc theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Về yếu tố kinh nghiệm, quy định phải từng làm nhà cao tầng mới được đầu tư nhà cao tầng, từng đầu tư các đường cao tốc mới được làm đường cao tốc rõ ràng không phù hợp với Việt Nam. Bởi ở nước ta, nếu đòi hỏi như vậy thì Tập đoàn Đèo Cả không thể làm được công trình hầm đường bộ Đèo Cả, Tập đoàn Vingroup không thể làm tòa tháp Landmark 81 tại TP HCM - một trong những công trình cao nhất thế giới. Do đó, điều kiện về kinh nghiệm cần được Bộ GTVT xem xét lại theo hướng thực tế hơn để các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia.