Đến nay, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (gọi tắt là chương trình DR) trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam. Chương trình DR nhằm cụ thể hóa chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (chương trình DSM) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 8-3-2018.
Đa lợi ích
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, cho biết mục tiêu tổng quát của chương trình DSM là triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, trong đó sự tham gia chủ động của khách hàng (KH) sử dụng điện đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm cung ứng điện, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện.
Để thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia này, từ đầu năm 2019, EVNSPC đã triển khai đồng loạt chương trình DR nhằm phân bố lại nhu cầu phụ tải giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường để san bằng biểu đồ phụ tải, tăng hệ số phụ tải, tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Ông Lý đánh giá: "Ngay từ lúc mới triển khai chương trình DR, chúng tôi nhận được sự hưởng ứng và tham gia của doanh nghiệp, KH sử dụng điện trọng điểm (tiêu thụ từ > 3 triệu KWh/năm) và cả KH có sản lượng điện tiêu thụ lớn (> 1 triệu KWh/năm). Các KH này tích cực tham gia, chủ động chuyển hoạt động sử dụng điện sản xuất sang khung giờ thấp điểm, sử dụng các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng trong giờ cao điểm".
Điều chỉnh phụ tải để bảo đảm cân đối cung cầu về điện khu vực phía Nam
Ông Phan Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, khẳng định việc triển khai chương trình DR mang lại hiệu quả cao. Ngành điện Bình Dương đã vận động KH có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu KWh/năm trở lên ký kết thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh điện phi thương mại nhằm mang lại lợi ích chung cho KH và ngành điện. "Qua chương trình này cũng giúp ngành điện quản lý nhu cầu điện tốt hơn theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng giá trị hình ảnh và thương hiệu. Đó cũng là lợi ích của ngành điện" - ông Lâm khẳng định.
Chuyển động tích cực
Ông Bùi Văn Vượng, Giám đốc kỹ thuật điện của Công ty TNHH Asia Packaging Industries (Bình Dương), cho biết vì thấy rõ lợi ích của chương trình DR, doanh nghiệp này đã chủ động điều chỉnh sản xuất từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. "Chỉ cần dịch chuyển 10% đến 15% công suất sử dụng điện sang khung giờ thấp điểm, chúng tôi đã góp phần ổn định cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ ngành điện trong công tác bảo trì hệ thống điện, chúng tôi vẫn được cung cấp điện liên tục, không gián đoạn chu trình sản xuất - kinh doanh. Chi phí tiền điện cũng giảm đáng kể" - ông Vượng nói.
Không riêng Công ty TNHH Asia Packaging Industries, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã nhận thức rõ về lợi ích của việc tham gia chương trình DR và DSM. Theo EVNSPC, hiện có hơn 1.600 KH (91% tổng số KH) sử dụng điện trọng điểm và hơn 1.800 KH khác đã ký thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Hiện tại, EVNSPC đang tiếp tục vận động tất cả KH sử dụng điện trọng điểm ký thỏa thuận tham gia nhằm thực hiện tốt chương trình DSM của Chính phủ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Lâm Hoàng Phước, Trưởng Ban Truyền thông của EVNSPC, cho biết từ quý I/2019, EVNSPC đã có văn bản gửi UBND 21 tỉnh, thành phía Nam, báo cáo về việc triển khai chương trình DSM và DR; đồng thời chỉ đạo các công ty điện lực thành viên chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền tới khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm để cùng thực hiện hiệu quả các chương trình trên.
Cũng theo ông Phước, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện trong nhân dân, từ đầu năm đến nay, EVNSPC bảo đảm cung cấp điện liên tục cho khách hàng thuộc phạm vi quản lý ở 21 tỉnh, thành phía Nam (ngoại trừ TP HCM). Đặc biệt là ngành điện đã chủ động cấp điện cho các khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn; bảo đảm cấp điện cho các khu vực có phụ tải tăng cao tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu..