Hiệu quả kết nối
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại, từ năm 2012 Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh, thành phố. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, qua 8 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của việc kết nối cung-cầu, ngày càng mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia càng nhiều. Lũy kế đến nay có 2.283 hợp đồng nguyên tắc được ký kết.
Thời gian qua, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố vùng Đông- Tây Nam bộ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Các doanh nghiệp thành phố đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi, liên kết hỗ trợ hợp tác xã nuôi trồng, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Thông qua liên kết đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh, thành phố khu vực này đã giúp cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chủ động hơn trong công tác tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông - Tây Nam bộ.
Đẩy mạnh kết nối cung- cầu, các doanh nghiệp phân phối của TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 17 trung tâm thương mại, 297 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành trong cả nước. Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp gắn kết và hợp tác hiệu quả; đẩy mạnh gắn kết từ các khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động đến thực hiện nhiệm vụ ổn định thị trường tại địa phương. Cùng với kế hoạch kết nối cung- cầu, tỉnh Long An đang tích cực triển khai sản xuất hàng nông sản sạch, rau củ quả hữu cơ, organic… để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị của tỉnh Long An tham gia chương trình kết nối cung- cầu, qua đó đã thực hiện 194 hợp đồng cung ứng hàng hóa các doanh nghiệp phân phối của TP Hồ Chí Minh và với các tỉnh, thành khác, tăng gấp 5 lần so với trước thời điểm năm 2017.
Siêu thị Co.opmart Cần Thơ được xem là điển hình thành công trong chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ nhận định, từ hoạt động kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố cho thấy, hàng hóa trao đổi giữa các địa phương tốt hơn, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm mới được tiêu thụ tốt và đi xa hơn. Tham gia hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2019, nhiều sản phẩm của Cần Thơ đón nhận sự quan tâm từ các đơn vị liên kết, nhà phân phối. Trong đó, một số sản phẩm đã được ký biên bản ghi nhớ hợp tác.
Tăng cường hợp tác
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, thị trường nội địa đang trở thành điểm tựa của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất hàng hóa trong nước, các nhà sản xuất rất cần có thêm nhiều các chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa để hàng hóa đến tay người tiêu dùng hiệu quả hơn. Với các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh cần tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về thị trường, quy cách sản phẩm, hình thức bao gói, các quy định về việc đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối để nhà sản xuất chủ động kế hoạch triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Thực tế cho thấy, bên cạnh hiệu quả tích cực, chương trình kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vẫn còn một số trở ngại, khó khăn như: tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để. Các tỉnh, thành phố trong vùng mặc dù đã có khung chính sách quy định từ cấp Chính phủ nhưng chưa tìm được cơ chế cụ thể và giải pháp phù hợp chung với sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa các địa phương để phối hợp giải quyết những lĩnh vực cơ bản trong liên kết vùng và liên vùng. Do đó kết hợp phát triển giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công nên chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm...
Nhằm phát huy hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Đông - Tây Nam bộ, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng: TP Hồ Chí Minh ngoài việc vận động tất cả các hệ thống phân phối hiện đại tham gia, các chợ đầu mối tham gia thu mua tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa đối với sản phẩm đặc trưng vùng miền hướng đến triển khai sâu rộng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp. Tham gia sử dụng các sản phẩm nông sản thực phẩm có chất lượng cao, ổn định. Các địa phương vùng nguyên liệu cũng cần quy hoạch sản xuất, lựa chọn nhà cung cấp uy tín. Tổ chức thực hiện công tác thông tin thị trường và nâng cao chất lượng dự báo thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu. Thực hiện thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Bộ Công thương luôn đánh giá chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các địa phương. Chương trình thật sự tạo không gian rộng lớn cho nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng dễ dàng gặp nhau, trở thành điểm hẹn của kết nối giao thương, hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa theo chuỗi khép kín và đang được lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố. Để chương trình kết nối cung- cầu trở thành một điểm tựa cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có điều kiện hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm hình thành nên chuỗi sản xuất bền vững, các nhà sản xuất, nhà phân phối cần tháo gỡ những rào cản, hợp tác sâu rộng hơn trong sản xuất, cung ứng hàng hóa trên tinh thần hỗ trợ cùng nhau để phát triển.