Ôtô giảm giá bao nhiêu để người Việt sở hữu được giá rẻ?

Thứ hai, 21 Tháng 10 2019 18:41 (GMT+7)
Khá nhiều câu hỏi được đặt ra về thị trường xe hơi Việt Nam, trong đó nhiều người khuyên chỉ cần giảm giá bán xe, tự thân thị trường xe hơi Việt sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, giảm giá xe chưa bao giờ là câu chuyện được các doanh nghiệp hào hứng, đặt lên hàng đầu. 

Mặt bằng giá xe hơi Việt ở đang ở đâu?

Nhìn vào mặt bằng giá xe hơi tại Việt Nam, người ta không khỏi thắc mắc bởi giá xe được coi là cao nhất trên thế giới. Một chiếc xe hiện nay cõng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí sử dụng đường bộ, phí đăng ký biển số.

Ôtô giảm giá bao nhiêu để người Việt sở hữu được giá rẻ? - Ảnh 1.

Người Việt đang phải mua xe giá đắt đỏ dù Việt Nam đã mở cửa thị trường xe hơi đối với ASEAN.

Với các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN hiện không phải chịu thuế nhập, người mua xe hơi sẽ chỉ phải chịu 10% (12% đối với riêng Hà Nội) phí trước bạ, 2 triệu phí đăng ký biển số (20 triệu đối với người ở Hà Nội), cộng khoảng 3 triệu đồng phí các loại như tiền sử dụng đường, bảo hiểm trách nhiệm dân dự, phí đăng kiểm.

Trong khi đó, đối với loại xe nhập từ các thị trường, Việt Nam vẫn đánh thuế nhập khẩu (thông thường hiện nay theo quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) mà Việt Nam là thành viên là 70 - 75%), để lăn bánh, xe phải chịu thêm các khoảng 10-12% phí trước bạ, 2 - 20 triệu đồng tiền biển và 3 triệu đồng các loại phí hằng năm…

Như vậy, đối với các mẫu xe từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng, trung bình người Việt để sở hữu sẽ phải bỏ thêm từ 50 triệu đồng đến gần 130 triệu đồng chi phí lăn bánh.

Các loại xe từ 500 triệu đồng đến ngưỡng 1 tỷ đồng, mức thuế phí có thể bằng 1/3 đến 2/3 giá xe tuỳ thuộc vào các dòng xe đó được nhập khẩu từ thị trường tính thuế nhập hay không tính thuế nhập khẩu.

Đối với những xe từ 2 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng trở nên, nếu là hàng nhập khẩu từ các thị trường không bỏ thuế; chiếc xe đó có dung tích xylanh cao trên 3.0L trở lên, thuế, phí vượt 70% thậm chí 200% giá thực của chiếc xe. Chính vì mức thuế nhập cao, thuế tiêu thụ đặc biệt nặng nên giá các dòng xe nhập từ các nước phát triển về Việt Nam luôn ở mức mà nhiều chục năm thu nhập bình quân người Việt mới mua được.

Giá xe phải giảm bao nhiêu để thị trường xe bùng nổ?

Hiện, câu chuyện có thị trường tiêu thụ luôn là cơn đau đầu của các nhà sản xuất xe hơi. Doanh số luôn đi liền với doanh thu, lợi nhuận và sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, có doanh số luôn phải đi liền với giá phải chăng, phù hợp với mức mua sắm khách hàng và thu nhập bình quân người dân.

Với mức thuế phí cao hiện nay, các dòng xe tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phục vụ được phần đông khách hàng Việt có nhu cầu. Bình quân thu nhập người Việt năm 2018 là khoảng 2.600 USD/người/năm (60 triệu đồng); đối với người dân thành phố, thu nhập bình quân khoảng 5.000 USD đến 8.000 USD/người/năm, trừ ăn tiêu cũng phải 3 - 5 năm mới mua nổi chiếc xe có giá lăn bánh bình dân từ 400 đến 600 triệu đồng, chứ chưa thể nói đến các dòng xe cao cấp hơn.

Mới đây, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương muốn ưu đãi cho xe sản xuất trong nước thông qua bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe và linh kiện sản xuất được ở trong nước. Hiện, mức thuế này đang chiếm từ 35 đến 90% giá xe xuất xưởng và ảnh hưởng rất lớn vào chi phí tính các loại thuế, phí khác.

Với những chiếc xe có dung tích từ 1.0L đến dưới 2.0L, mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện thấp nhất là 35% và tỷ lệ này nâng cao dần với xe ở dung tích cao hơn. Trong trường hợp, xe sản xuất trong nước được bỏ thuế, về lý thuyết có thể sẽ rẻ hơn từ 30% đến 60% tuỳ chủng loại xe.

Tuy nhiên, việc kiến nghị giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, linh kiện ô tô sản xuất được trong nước sẽ khiến giá xe giảm bao nhiêu vẫn chưa được cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp nào đưa ra hoặc cam kết rõ ràng. Hiện nay, các bộ, doanh nghiệp mới chỉ đề xuất ưu đãi, chưa có bất cứ cam kết giảm giá theo tỷ lệ cụ thể.

Thực tế, câu chuyện bỏ thuế nhưng giá xe không giảm là chuyện đã diễn ra và khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin. Năm 2018, Việt Nam bắt đầu bỏ thuế nhập đối với xe hơi các nước ASEAN. Tuy nhiên, giá các dòng xe nhập từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam hầu hết không giảm, thậm chí nhiều dòng xe, mẫu xe khi nhập về Việt Nam còn tăng giá so với các nước trong khu vực.

Việc tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng lại khá hợp lý đối với thị trường xe hơi ở Việt Nam khi các hãng quyết định giá với nhau, thị trường bị thâu tóm bởi chỉ một số hãng xe mà không có sự cạnh tranh.

Trong khi đó, người tiêu dùng, thị trường Việt dù được mở cửa nhưng không được hưởng giá cạnh tranh, chính sách mở cửa theo đó chưa phục vụ người tiêu dùng, chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh cố tình không giảm giá xe dù được bỏ thuế phí.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về xe hơi Việt Nam: “Sở dĩ giá xe Việt cao do chính sách thuế phí bất cập, điều này được chính Bộ Công Thương chỉ ra mới đây khi gửi báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, còn do doanh nghiệp lớn thao túng giá, mặc định giá, trong khi người tiêu dùng Việt vẫn coi chiếc xe là tài sản, đổ xô vào mua các dòng xe có thương hiệu, xe được quảng cáo nhiều… điều này khiến các hãng không có động cơ thúc đẩy để giảm giá”.

Theo (nld.com.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế