Đòi hỏi tất yếu
"Điệp khúc" nông sản “được mùa - mất giá” và "giải cứu nông sản" cứ lặp đi lặp lại qua từng năm, từng sản phẩm nông nghiệp. Điều này không chỉ khiến người nông dân chân lấm tay bùn phải mệt mỏi khi loay hoay tìm đầu ra mà còn khiến cho người tiêu dùng cả nước đặt câu hỏi về những giải pháp lâu dài cho chế biến nông sản sau thu hoạch.
Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Trên thực tế, dù nước ta có tới hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu có áp dụng công nghiệp chế biến nông sản và một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp nhưng những con số này, theo các chuyên gia, mới chỉ là bước ban đầu.
Thêm vào đó, về mặt công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, nhìn chung trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới chỉ đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Đa số các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ mới dừng ở sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra…
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng… Lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như: mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ.
Trong khi đó, bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng giao động từ 10 - 20%. Cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.
Về phát triển cơ giới hóa, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác. Mức độ cơ giới hoá này còn thấp, trong khi một số nước trong khu vực có mức độ cơ giới hóa cao như: Thái Lan đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, thực tế cho thấy nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ xuất khẩu thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nhà nông.
Đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
“Đây là bài toán chuyên sâu, cần sự vào cuộc, phân tích của các chuyên gia cũng như với từng đơn vị quản lý hoặc nghiên cứu. Trong đó, cần bám sát yêu cầu tổng kết việc thực hiện kế hoạch về tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp của Thủ tướng trong 5 năm vừa qua, đánh giá tình hình và có giải pháp thỏa đáng.”- bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.
Khẳng định tầm quan trọng của chế biến nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tương lai nông sản Việt Nam có "thắng" trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc lớn vào công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Dẫn chứng thực tế, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ ra rằng, nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vừa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.
Tìm kiếm cơ hội bứt phá
"Chế biến nông lâm thủy sản của cả nước có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội" là đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) về khâu chế biến nông lâm thuỷ sản nước ta thời gian qua. Theo thống kê của cơ quan này, giai đoạn từ 2013 - 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 - 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 - 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 - 10%/năm trong 2 năm vừa qua.
Từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến, đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 - 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4 - 5,5HP/ha.
Đây được xem là mục tiêu khả quan bởi số liệu được Bộ NN&PTNT công bố cho thấy, từ năm 2018 đến nay, có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 11 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 11.415 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động.
Về cơ chế chính sách, các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành, điển hình như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng.
Theo hướng đi này, cũng trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 1.634 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 10.988 doanh nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hứa hẹn những thành công bứt phá trong thời gian tới.