Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong nông nghiệp

Thứ bảy, 26 Tháng 10 2019 15:50 (GMT+7)
Đa dạng sinh học (ĐDSH) trong nông nghiệp là yếu tố cốt lõi, có tầm quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững cho hệ thống nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nông nghiệp chuyên canh, thâm canh theo hướng công nghiệp hóa… cùng với tác động từ biến đổi khí hậu đã dần làm mất đi tính ĐDSH trong các hệ sinh thái nông nghiệp. Do vậy, cùng với phát triển kinh tế- xã hội của TP Cần Thơ, cần thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo tồn hiệu quả và bền vững ĐDSH trong hệ sinh thái nông nghiệp.

Bảo tồn

Theo ý kiến của các chuyên gia, ĐDSH có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các loài, các quần thể, quần xã, các hệ sinh thái tự nhiên và đặc biệt quan trọng đối với con người. Sự đa dạng di truyền cần thiết cho tất cả sinh vật để có thể duy trì nòi giống, kháng với các loại dịch bệnh và thích nghi với những thay đổi của môi trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sự đa dạng di truyền của cây trồng và vật nuôi có giá trị đặc biệt trong chọn tạo giống cây trồng vật nuôi mới phục vụ cho lợi ích của con người.

TP Cần Thơ được đánh giá ĐDSH cao, cần có những giải pháp duy trì và phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp (Trong ảnh: Gieo sạ lúa tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: T. TRINH

TP Cần Thơ được đánh giá là ĐDSH với hệ thống cây trồng, vật nuôi đa dạng, mức độ đa dạng loài thủy sản khá cao. Về hệ sinh thái, gồm hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Trong đó, hệ sinh thái đất ngập nước như: sông, cồn, cù lao… là các hệ sinh thái tự nhiên, đóng vai trò quan trọng cho thành phố. Để duy trì và bảo vệ ĐDSH, TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Bà Ngô Kim Long, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành tài nguyên môi trường thành phố đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo tồn ĐDSH. Trong đó, tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH, chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây, con dược liệu và các tri thức truyền thống liên quan; khai thác bền vững tài nguyên sinh học…

Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương chú trọng khai thác, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa một cách hiệu quả. Ông Lê Văn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, chia sẻ: Công tác bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế nông nghiệp được huyện phát triển theo hướng ĐDSH thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung như: mô hình trồng vú sữa với diện tích 441ha, trồng sầu riêng diện tích 137ha, dâu Hạ Châu hơn 403ha… Bên cạnh đó, phát triển một số mô hình trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, quảng canh gắn với bao tiêu hàng hóa và phát triển du lịch cộng đồng. Các mô hình chăn nuôi vệ sinh an toàn sinh học được nhân rộng cùng với việc phát triển các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã nhằm bảo tồn ĐDSH, góp phần vào xây dựng đô thị
sinh thái…

Duy trì và phát triển

Các nhà khoa học cho rằng, đa dạng thành phần loài hiện đang tiếp tục bị suy giảm do nhiều yếu tố tác động. Một số nguyên nhân chủ yếu, như: dư lượng thuốc trừ sâu do thâm canh hóa trong sản xuất nông nghiệp; nước thải công nghiệp và sinh hoạt không được xử lý trước khi thải ra sông, kênh, rạch; xây dựng đê bao kiểm soát lũ… Sự gia tăng dân số cũng là nguyên nhân gây sức ép lên nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Việc sử dụng xung điện, xuyệt điện để khai thác thủy sản là một trong những mối đe dọa nguy hiểm làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, sinh vật ngoại lai là nguyên nhân gây biến động thành phần loài thủy sản trong các thủy vực tự nhiên ở Cần Thơ. Trước những nguy cơ và thách thức trên, đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo tồn ĐDSH, phát triển nông nghiệp bền vững.

TP Cần Thơ, nơi có mức độ ĐDSH tương đối khá cao và phân bố tập trung nhất là huyện Phong Điền. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen một số giống cây, con bản địa có năng suất chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Út Em, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Huyện sẽ phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, tuyển chọn một số loại cây đầu dòng và xây dựng các vườn giống sạch bệnh, chất lượng cao. Qua đó, phục vụ sản xuất giống, cây gốc sạch bệnh và xây dựng các vườn cây mẹ sạch bệnh từ giống cây đầu dòng, góp phần phát triển đa dạng các nguồn gen giống bản địa. Huyện cũng đề xuất với các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sản xuất và quy trình canh tác trên một số giống cây trồng tại địa phương, tiến tới xây dựng các quy trình sản xuất theo hướng ĐDSH thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo ông Nguyễn Minh Thế, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, bảo tồn ĐDSH là nội dung cơ bản, cần ưu tiên, khuyến khích trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, thành phố cần tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách, dự án bảo tồn tài nguyên ĐDSH gắn chặt với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương cũng như hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể làm cơ sở cho công tác bảo tồn và thu hút nhiều thành phần xã hội cùng tham gia bảo tồn ĐDSH…

LẠC MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế